Doanh nghiệp Việt đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ nhà chế tạo láng giềng

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cảnh báo, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN áp dụng vào 2018, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ c
Doanh nghiệp Việt đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ nhà chế tạo láng giềng

Theo ông Suttisak Wilanan - Phó giám đốc điều hành - Công ty Reed Tradex - Doanh nghiệp nổi tiếng là nhà tổ chức các sự kiện triển lãm công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam - Nepcon Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất về các lĩnh vực sản xuất trong khu vực ASEAN. Điều này có được là sự vào cuộc rất mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, sự tham gia của nhiều tập đoàn điện tử, công nghệ lớn trên thế giới, xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn nhân lực và gia tăng năng suất sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao ở cả trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm với ông Suttisak Wilanan, ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) kỳ vọng, thông qua Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, trong 8 năm qua đã cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được phê duyệt chỉ trong năm 2016 bởi các công ty Nhật Bản đã tăng lên 574 dự án. Đây là con số cao nhất so với những năm trước.

Tuy nhiên, Hironobu Kitagawa cho rằng, khó khăn trong việc thu mua các bộ phận linh kiện nội địa vẫn là một vấn đề lớn đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam.

"Tỷ lệ thu mua nội địa của các nhà sản xuất Nhật Bản ở Việt Nam là 34,2% vào năm 2016. Con số này hoàn toàn thấp hơn so với tỷ lệ 67,8% ở Trung Quốc, 57,1% ở Thái Lan và 40,5% ở Indonesia", ông Hironobu Kitagawa cho biết.

Ngoài ra, ông Hironobu Kitagawa cũng đưa ra cảnh báo về sự cạnh tranh từ Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN sẽ hoàn toàn áp dụng vào năm 2018. "Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo đến từ các nước láng giềng cung cấp các sản phẩm với giá thành thấp hơn do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan này", ông Hironobu Kitagawa nhận định.

Còn theo ông Jun Yanagi - Phó Đại sứ, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, khoảng 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay, mặc dù một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các linh kiện nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản thu mua được rất thấp. Hầu hết các linh kiện nội địa đều do các công ty Nhật Bản cung cấp tại Việt Nam.

Ông Jun Yanagi cũng cho biết thêm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật bản chiếm khoảng 99,7% tổng số doanh nghiệp và khoảng 70% số nhân viên, thậm chí là các công ty nổi tiếng như Toyota, Honda và Sony từng bắt đầu hoạt động từ một nhà máy nhỏ.

Để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu cung ứng linh kiện và công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Jun Yanagi cho rằng, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ với sự hỗ trợ toàn diện, từ tài chính, nâng cấp công nghệ đến thiết bị sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây cũng là hướng đi nâng cao sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cấp công nghệ, tiếp thị ở nước ngoài và kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ưu tiên phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam thông qua Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ Quốc gia từ năm 2016 - 2025. Sự gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử, cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam

Theo VietQ

Có thể bạn quan tâm