Doanh nhân nữ “chung tay” vì môi trường xanh

Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến.
Doanh nhân nữ “chung tay” vì môi trường xanh

Nhận định này đã được các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn “Bảo vệ môi trường vì sự  phát triển bền vững của doanh nghiệp và cộng đồng” do Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty TNHH Nước giải khát Coca-cola Việt Nam tổ chức sáng 19/10 tại Hà Nội.

Các đại biểu đến từ Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) của 8 nước trong khu vực cũng khẳng định: “Doanh nhân nữ khu vực ASEAN nói chung và doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng luôn là những người đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững cho cộng đồng”.

Các sáng kiến xây dựng môi trường không rác thải

Bắt đầu khởi nghiệp từ một nhà máy nhỏ ở Hà Nội, hiện các nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm đã bao phủ tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam với tổng số 15 nhà máy, đặc biệt là các nhà máy được đặt tại các khu vực nghèo, vùng núi cao và dân tộc thiểu số như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hóa… Công ty đã tạo công việc làm cho hàng nghìn phụ nữ ở các khu vực này.

Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm (thứ 2 từ phải sang)

Chia sẻ tại hội thảo, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT cho biết, ngay từ khâu sản xuất, toàn bộ rác thải ngành may như vải vụn đã được công ty Hồ Gươm xử lý bằng hệ thống đốt giẻ mang công nghệ mới, hiện đại, không gây ra mùi. Bên cạnh đó, công ty cũng nói không với túi nilon, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để giảm tiêu tốn năng lượng; trồng rau, làm giá đỗ để đảm bảo an toàn cho bữa cơm nhân viên.

Với công ty TNHH Nước giải khát Coca-cola Việt Nam, Coca-cola đã thực hiện các dự án thế giới không rác thải ở Việt Nam như không xả rác ra thiên nhiên, khuyến khích sáng tạo để nâng cao ý thức về tái chế, Mạng lưới hành động về nhựa…  Công ty hiện cũng đã tiến tới tối ưu hóa các chỉ số quan trọng như: Giảm tỉ lệ sử dụng nước, giảm tỉ lệ sử dụng năng lượng, giảm trọng lượng bao bì: vỏ chai, nắp chai, thân lon, màng co, nhãn mác, thùng carton, nhựa PET tái chế…

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Coca-cola Việt Nam, ông Sanket Ray cho biết thêm, công ty Coca-cola hướng đến mục tiêu thu gom và tái chế 100% lượng chai, lon mà họ bán ra cho tới năm 2030 nhằm phát triển bền vững vì cộng đồng. Ngoài ra, Coca-cola hướng đến doanh nghiệp xã hội do phụ nữ làm chủ: đổi từ mô hình phụ nữ quản lý sang mô hình doanh nghiệp xã hội do phụ nữ làm chủ.

Chuyển biến trong ý thức bảo vệ môi trường

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức như một lời kêu gọi “Doanh nhân nữ vì môi trường xanh” hướng tới phát triển bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng “một thế giới không rác thải”. Qua đó, các doanh nhân nữ chủ động nâng cao nhận thức về yêu cầu xanh hóa nền kinh tế cũng như áp dụng khoa học công nghệ thân thiện vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Đánh giá về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhìn chung với sự nỗ lực, sáng kiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường đã được kiềm chế. Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường đã cơ bản được cải thiện; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả.

“Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cũng có nhiều chuyển biến. Nhiều hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người dân đã dần được được khắc phục và có chiều hướng giảm so với năm trước” – ông Thức nói.

Tuy nhiên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, cần tận dụng có hiệu quả các thành tựu về khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý môi trường. Trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc công ty CP TB-VPP Hoàng Minh cho biết: “Đến tham dự hội thảo tôi đã tìm được những người cùng chung chí hướng trong việc sản xuất, phân phối các sản phẩm thân thiện với môi trường”.

“Xuất phát từ việc muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích, giá trị cho cộng đồng nên các sản phẩm của công ty chúng tôi là những sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện công ty Hoàng Minh chúng tôi chuyên phân phối và sản xuất văn phòng phẩm trong đó có phân phối băng dính sinh học Nichiban. Đây là sản phẩm sinh học số 1 của Nhật Bản với tuổi đời trên 100 năm” – Bà Oanh nói.

Doanh nhân nữ “chung tay” vì môi trường xanh ảnh 4Doanh nhân Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Công ty CP TB-VPP Hoàng Minh

Cũng theo bà Oanh, băng dính sinh học Panfix- Nichiban được sản xuất hoàn toàn bằng cao su tự nhiên, không có chất phụ gia nhân tạo, có thể xé được bằng tay và sau khi dính không để vết keo bám trên bề mặt như sản phẩm băng keo thông thường khác.

Thực tế, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường là một xu hướng ngày càng phát triển trong thương mại quốc tế và mua sắm trong lĩnh vực công tại các nước đã và đang phát triển, nhằm thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. So với các quốc gia phát triển và các quốc gia trong khu vực, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường trên thị trường Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Theo bà Oanh, thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và tác động tích cực đối với kinh tế - xã hội - môi trường của sản phẩm thân thiện với môi trường của người tiêu dùng còn hạn chế. Do đó, người tiêu dùng Việt Nam, bao gồm cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó là các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường phức tạp, không rõ ràng, chưa cụ thể, khó thực thi trên thực tế nên các doanh nghiệp không có động lực để thực hiện các thủ tục gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm....

Để các sản phẩm thân thiện với môi trường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn nữa, doanh nhân Nguyễn Thị Oanh mong muốn, thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.

Thứ ba, các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cần cụ thể, minh bạch và rõ ràng, dễ tiếp cận nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi, hỗ trợ mà mình được thụ hưởng khi đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc, quyết liệt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả chất thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt những nơi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. 

Có thể bạn quan tâm