Động lực cho KTTN: Phải tìm từ thực tiễn!

Phát triển KTTN là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong tiến trình Đổi mới và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Việt Nam.
Động lực cho KTTN: Phải tìm từ thực tiễn!

Những thành tựu phát triển có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm Đổi mới vừa qua của Việt Nam có một phần đóng góp không nhỏ của khu vực KTTN. Thương Gia giới thiệu bài viết của PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về vấn đề phát triển Kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Trong suốt thời gian đó, đường lối và quan điểm của Đảng về phát triển KTTN luôn nhất quán, luôn được hoàn thiện, đổi mới và những hoàn thiện đổi mới này đã đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực này với những đóng góp lớn cho xã hội và nền kinh tế.

Từ con buôn “lên đời” DN

Từ chỗ chủ yếu chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ Việt Nam đã có những DN tư nhân theo đúng nghĩa; một số ít DN đã trở thành các tập đoàn kinh tế lớn. Từ chỗ chủ yếu hoạt động trong khu vực phi chính thức, một bộ phận KTTN đã chuyển đổi sang hoạt động trong khu vực chính thức của nền kinh tế, theo các quy định của pháp luật.

Từ chỗ chủ yếu chỉ có các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ Việt Nam đã có những DN tư nhân theo đúng nghĩa; một số ít DN đã trở thành các tập đoàn kinh tế lớn. Từ chỗ chủ yếu hoạt động trong khu vực phi chính thức, một bộ phận KTTN đã chuyển đổi sang hoạt động trong khu vực chính thức của nền kinh tế, theo các quy định của pháp luật.

Đến nay, phạm vi kinh doanh của khu vực KTTN đã rộng khắp, ở mọi ngành mà pháp luật không cấm, trong đó có những ngành công nghệ cao, năng suất cao cho dù vẫn còn rất ít. Đặc biệt, trong những năm qua một làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra, đem lại một sức sống mới, năng động hơn cho nền kinh tế. Nếu như khu vực kinh tế nhà nước đang dần thu hẹp, thì khu vực KTTN ngày càng mở rộng hơn, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cơ bản của đất nước. Từ chỗ xa lánh, coi nhẹ, xã hội đã ngày càng tôn vinh những doanh nhân trên thương trường.

Tuy nhiên, xét trên nhiều giác độ, khu vực KTTN Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể:

Tuy số lượng DN tư nhân đã khá đông, tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng phát triển còn thiếu bền vững với tỷ lệ phá sản và ngưng hoạt động cao. Quy mô DN còn rất nhỏ (xét theo các tiêu chí vốn và lao động) trong tương quan so sánh với DN Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Loại hình DN dù rất đa dạng: Từ DN tư nhân, công ty hợp danh; công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, công ty cổ phần tư nhân và công ty cổ phần có vốn nhà nước (từ 50% vốn điều lệ trở xuống), tới các hộ kinh doanh cá thể… Nhưng phần lớn các DN cũng như hộ kinh doanh cá thể thiếu động lực để phát triển trở thành những DN lớn và khu vực phi chính thức thiếu động lực chuyển sang hoạt động một cách chính thức.

Loại hình DN đa dạng, lĩnh vực kinh doanh cũng rất phong phú nhưng chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ, với xu hướng tháo lui khỏi lĩnh vực công nghiệp và mất dần thị phần trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ vào tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đó là chưa nói tới hiệu quả hoạt động chưa cao, năng suất lao động thấp (dù có tiềm năng đạt được hiệu quả cao hơn nếu có được môi trường hoạt động và kinh doanh phù hợp, thuận lợi).

Không chỉ vậy, một điểm yếu nữa là sự thiếu liên kết giữa các DN trong nước với nhau, giữa các DN trong nước với các DN FDI… Khả năng hội nhập quốc tế thấp (tham gia vào chuỗi giá trị ở công đoạn thấp hoặc không tham gia) và ít gắn kết với đổi mới, sáng tạo (trình độ công nghệ thấp, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo).

Chính vì thế, mặc dù khối KTTN có đóng góp lớn cho nền kinh tế về tạo việc làm, thu ngân sách Nhà nước, về tăng trưởng kinh tế và góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.

KTTN “còi cọc” vì đâu?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển của khu vực KTTN Việt Nam trong thời gian qua trong đó có những nguyên nhân thuộc về bản thân khu vực KTTN và những nguyên nhân thuộc về môi trường đầu tư và kinh doanh, được quyết định bởi sự thống nhất về lý luận, khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và việc thực hiện các cơ chế chính sách này trên thực tế.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sự “yếu ớt” của KTTN là vì chúng ta chưa có sự thống nhất cao về một số vấn đề lý luận liên quan đến phát triển của khu vực KTTN (Nội hàm định hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường, kinh tế nhà nước là chủ đạo, vai trò của nhà nước và thị trường trong nền kinh tế định hướng XHCN…). Điều này dẫn đến nguy cơ sự thực hiện sai lệch trên thực tế, tạo ra sự bất bình đẳng giữa DN thuộc các khu vực kinh tế khác nhau, thậm chí lạm dụng và lợi ích nhóm…

Thứ hai, khuôn khổ pháp luật nói chung và cho sự phát triển khu vực KTTN nói riêng vẫn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập, đặc biệt là còn tồn tại khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi các quy định có liên quan đến hoạt động của khu vực KTTN (Giấy phép con, quy định về kiểm tra chuyên ngành…).

Thứ ba, môi trường đầu tư và kinh doanh tuy có nhiều cải thiện vẫn chưa thực sự thuận lợi và còn nhiều rào cản gây khó khăn cho hoạt động của khu vực KTTN (Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn, tiếp cận thông tin… đặc biệt là gánh nặng chi phí không chính thức). Cơ chế chính sách cũng chưa thực sự bình đẳng đối với khu vực KTTN trong tương quan so sánh với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (về tiếp cận đất đai, vốn và các hỗ trợ khác) trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía các DN nước ngoài trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.

Ngoài ra, bản thân năng lực nội tại của các DNTN còn thấp và trong nhiều trường hợp, văn hóa kinh doanh của DN tư nhân còn nhiều bất cập, hoạt động của các hiệp hội DN tư nhân chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự hỗ trợ được các DN phát triển.

"Để KTTN thực sự phát triển và trở thành động lực quan trọng (thậm chí là quan trọng nhất) của nền kinh tế, cần phải thực sự đổi mới về tư duy lý luận và có quyết tâm chính trị cao nhất trong việc thực hiện các giải pháp đã được đặt ra với phương trâm gắn với thực tiễn, dùng thực tiễn để đo lường, đánh giá, điều chỉnh và với khẩu hiệu: Thực tiễn, thực tiễn và thực tiễn...

Chính những nguyên nhân này đã khiến DNTN mặc dù rất đông, hoạt động rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực với nhiều loại hình DN, nhưng đa phần đều rất nhỏ về quy mô và yếu về khả năng cạnh tranh.

Cần một “liều thuốc thực tiễn” 

Để thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN và để khu vực này thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong giai đoạn tới, cần thực hiện đồng bộ và quyết liệt ba nhóm giải pháp có liên quan chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau:

Trước hết và cũng quan trọng nhất là cần hoàn thiện lý luận và thống nhất nhận thức về những vấn đề có liên quan đến phát triển của khu vực KTTN (Nhận thức rõ hơn về chức năng của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phân định rõ hơn chức năng, vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực KTTN với khẳng định KTTN là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế...).

Sau khi có nhận thức chính xác và rõ ràng chúng ta mới có thể thiết lập được các nền tảng cơ bản cho sự phát triển của khu vực KTTN (Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực để các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả cao, nhất là các nguồn lực Nhà nước; Tạo lập môi trường thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực KTTN phát triển, đặc biệt là giảm gánh nặng về thuế, phí, gánh nặng chi phí không chính thức, cải thiện chất lượng dịch vụ công; Nâng cao chất lượng thể chế và quản trị của khu vực KTTN; Xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia đặt trọng tâm vào phát triển KTTN, khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo; Phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp; Thiết lập nền quản trị quốc gia tốt, thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ phát triển; Xây dựng bộ máy hành chính có trách nhiệm giải trình đối với công chúng, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lợi ích nhóm đối với chính sách).

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải thực hiện các giải pháp riêng, cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng nhóm đối tượng của khu vực KTTN như DN lớn, DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, DN trong nông nghiệp và nông thôn và DN thuộc khu vực phi chính thức...

Tóm lại, để KTTN thực sự phát triển và trở thành động lực quan trọng (thậm chí là quan trọng nhất) của nền kinh tế, cần phải thực sự đổi mới về tư duy lý luận, tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong toàn xã hội và có quyết tâm chính trị cao nhất trong việc thực hiện các giải pháp đã được đặt ra với phương châm gắn với thực tiễn, dùng thực tiễn để đo lường, đánh giá, điều chỉnh và với khẩu hiệu: Thực tiễn, thực tiễn và thực tiễn. 

Ngày 13/4, tại Hà Nội, sẽ diễn ra hội thảo "Phát triển Kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới". Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, HBA và VACOD, tạp chí Thương Gia tổ chức. 

Hội thảo sẽ được chủ trì bởi GS. TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD). 

Có thể bạn quan tâm