Hà Nội giải thích việc đổi 700 ha đất lấy 5 tuyến đường

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có giải thích về việc đổi 700ha đất tại nhiều vị trí lấy 5 tuyến đường.
Hà Nội giải thích việc đổi 700 ha đất lấy 5 tuyến đường

Nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất?

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng 5 tuyến đường theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, thành phố giao nhà đầu tư khoảng 700 ha đất đối ứng tại nhiều khu vực khác nhau.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND Thành phố Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.

Nguyên nhân được chỉ ra là do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.

Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội được khẳng định "đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…".

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.

Theo văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội: "Thực tế, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT".

Hợp đồng BT không mang lại lợi ích lớn như kỳ vọng

Hợp đồng BT nếu được thực hiện đúng đắn sẽ mang lại lợi ích rất lớn như: Người dân được hưởng hạ tầng phúc lợi với chất lượng tốt hơn, ngân sách nhà nước giảm bớt chi phí thì các doanh nghiệp - các nhà đầu tư dự án BT- cũng có cơ hội phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn trên các quỹ đất được Nhà nước thanh toán.

Nhưng hàng loạt sai phạm tại các dự án BT là lý do khiến Kiểm toán nhà nước nhận định: “việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khi hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực”.

Cũng do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không đảm bảo tiến độ giải ngân như cam kết…

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nghịch lý vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

Trước thực trạng đó, theo giới chuyên gia, không nên áp dụng hình thức đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó nếu ngân sách khó khăn có thể đem đấu giá đất. Sau đó dùng tiền đấu giá được để làm hạ tầng. Còn nếu đầu tư theo hình thức BT như cách đang thực hiện hiện nay không được minh bạch, có thể tạo ra nhiều hệ lụy.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội hôm nay 26/6, Sở sẽ trả lời rõ các vấn đề này.

Có thể bạn quan tâm