Hà Nội yêu cầu sử dụng hàng hóa nội địa trong đấu thầu, mua sắm công

Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành, quận, huyện, công ty, Tổng công ty trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển, hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước tăng cường sử dụng
Hà Nội yêu cầu sử dụng hàng hóa nội địa trong đấu thầu, mua sắm công

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương, công ty, Tổng công ty thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Đối với Tổng công ty, Công ty phải chủ động tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nghiên cứu bám sát thị trường để đáp ứng được nhu cầu thị trường, yêu cầu của dự án, gói thầu sử dụng vốn nhà nước, chủ động tuyên truyền quảng bá sản phẩm để các đơn vị có nhu cầu biết, sử dụng.

Các đơn vị được giao đầu tư, bên mời thầu phải chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ các đơn vị tư vấn gia đoạn nghiên cứu lập dự án tới khi tổ chức đấu thầu các gói thầu của dự án đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị.

Trường hợp các đơn vị thực hiện không đúng thì Thủ trưởng các đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP. Văn bản nêu rõ, UBND TP sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan thường xuyên nghiên cứu, cập nhật thông tin giá cả thị trường hàng hóa, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để kịp thời thông tin cho các đơn vị, các chủ đầu tư, doanh nghiệp và các nhà thâu trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Trước đó, Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ, việc phân chia các gói thầu thuộc dự án, dự toán đối với mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc phân chia gói thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo việc làm cho lao động trong nước.

Nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước. Trường hợp phát hiện việc phân chia gói thầu không đúng với quy định thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định; đề xuất xử lý nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Chỉ thị yêu cầu, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hóa, vật tư, thiết bị, máy móc, phương tiện trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, giá cả hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế.

Trường hợp gói thầu áp dụng đấu thầu quốc tế thì trong hồ sơ mời thầu cần quy định rõ: Nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Trường hợp tổ chức đấu thầu trong nước, khi lập và phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không được đưa ra yêu cầu hoặc định hướng đối với việc nhà thầu tham dự thầu phải chào hàng hóa nhập khẩu khi hàng hóa trong nước đã sản xuất hoặc lắp ráp được đáp ứng yêu cầu chất lượng, số lượng, giá cả.

Có thể bạn quan tâm