Nhiều TTHC về dán nhãn năng lượng được gỡ bỏ

Quyết định 4846/QĐ-BCT do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ngày 9/12 vừa qua đã phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương
Nhiều TTHC về dán nhãn năng lượng được gỡ bỏ

Trong đó, nhiều thủ tục về dán nhãn năng lượng cũng được điều chỉnh theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp. 

Cụ thể, Bộ Công Thương điều chỉnh quy định về “đánh giá và cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng trước khi nhập khẩu” thành “đánh giá và cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường” tại Điều 8 Thông tư số 07/2012/TT-BCT.

Việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng được thực hiện như sau: Bỏ “bản sao của hợp đồng với các nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài (đối với các nhà nhập khẩu) và tờ khai hàng hóa nhập khẩu”; “hồ sơ, tài liệu, quy trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp”; “hồ sơ, chứng chỉ quản lý chất lượng liên quan”; sửa “kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp có thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày cấp” thành “kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp còn thời hạn”.

Thủ tục hành chính “đánh giá và chứng nhận dán nhãn năng lượng” được thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Việc chỉ định Tổ chức thử nghiệm quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT, thực hiện cụ thể: Sửa đổi “bản sao” được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 thành “bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu; “giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo Thông tư 08/2009/TT-BKHCN ngày 8/4/2009 Hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp” tại điểm b Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi thành “giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm”.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 16/12, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thừa nhận, việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng thử nghiệm, thiếu hụt thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng, nguồn nhân lực và kinh phí triển khai.

“Cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đến hết tháng 6/2016 mới chỉ định được 7 phòng thử nghiệm trong nước và 2 phòng thử nghiệm nước ngoài.  Trong khi đó, hiện trên toàn quốc chỉ có 1 phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đặt tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại miền Trung và miền Nam khi phải vận chuyển các động cơ có kích thước, khối lượng lớn tới cơ sở thử nghiệm của Quatest 1 để thực hiện thử nghiệm”, ông Đỗ Đức Quân cho biết.

Đối với thiết bị lò hơi công nghiệp, do tính chất đặc thù của thiết bị lò hơi là chỉ thử nghiệm được hiệu suất năng lượng sau khi đã lắp đặt, hiệu chỉnh và đưa vào vận hành nên tổng thời gian làm thủ tục sẽ phụ thuộc vào công tác vận chuyển, lắp đặt và thử nghiệm vốn khá lâu. Do đó, nếu yêu cầu đơn vị nhập khẩu lò hơi phải cung cấp phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại thời điểm trước khi thông quan thì sẽ không khả thi.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đang thực hiện giải pháp trong thời gian chưa có đủ phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện, Bộ Công Thương xem xét công nhận, thừa nhận và sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng do phòng thử nghiệm nước ngoài đáp ứng quy định và tiêu chuẩn Việt Nam về phòng thử nghiệm. Doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả này làm căn cứ để phục vụ kiểm tra chứng nhận hiệu suất năng lượng.
Liên quan đến việc Bộ Công Thương đang xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 51/2011/QĐ-TTg; xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 07, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ điều chỉnh các quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho các lô hàng nhập khẩu cùng model, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ; giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian đăng ký và chi phí cho doanh nghiệp; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với những sản phẩm hàng hóa sau khi đưa ra thị trường.
Đặc biệt, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 07 sẽ bổ sung quy định miễn trừ dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm, hàng hóa phi thương mại.
“Dự kiến, 2 văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 12 này”, ông Đỗ Đức Quân cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 5 năm qua (2011-2015), chương trình dán nhãn năng lượng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần đáng kể vào mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Theo đó, đã có hơn 10.000 mẫu sản phẩm thuộc 15 nhóm sản phẩm được Bộ Công Thương cấp phép dán nhãn năng lượng. Nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã nâng lên. Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015 có hơn 90% số máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng điện máy... được dán nhãn năng lượng.
Chương trình dán nhãn năng lượng được xây dựng, triển khai với mục tiêu phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp, tiến tới giảm cường độ năng lượng trong sản xuất.

Có thể bạn quan tâm