Nới room ngoại, Đạm Phú Mỹ sắp về tay nước ngoài?

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo – mã: DPM, nhà sản xuất kinh doanh phân bón Phú Mỹ), ước đạt 4.915 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 430 tỷ
Nới room ngoại, Đạm Phú Mỹ sắp về tay nước ngoài?

Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua khiến DPM là mã cổ phiếu giàu tiền năng với các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài muốn “nhòm ngó” tới doanh nghiệp hiện đang nắm không dưới 50% thị trường urea hàng triệu tấn mỗi năm của Việt Nam.

Kinh doanh khả quan

Mới đây, PVFCCo vừa có thông báo về dự kiến kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2018 với những con số đều tăng trưởng khả quan, nhờ đưa vào vận hành tổ hợp NH3-NPK công nghệ hóa học, kèm theo là nhu cầu sử dụng phân bón diễn biến tích cực.

Theo lãnh đạo PVFCCo, Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành tối đa công suất nhằm kịp thời cung ứng nhu cầu phân bón vụ Đông Xuân và Hè Thu tại các cùng trọng điểm trên cả nước.

Trong khi đó, Nhà máy NPK công nghệ hóa học do PVFCCo đầu tư đã cơ bản hoàn thành giai đoạn chạy thử và chuẩn bị được đưa vào vận hành thương mại trong Quý III/2013.

Sản lượng sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt hơn 421.000 tấn, hoàn thành 106% kế hoạch 6 tháng đầu năm và 53% kế hoạch năm.

Lượng tiêu thụ Urea Phú Mỹ ước đạt 443.000 tấn, hoàn thành 54% kế hoạch năm. Sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón khác ước đạt 195.000 tấn, đạt 150% kế hoạch 6 tháng và hoàn thành 86% kế hoạch năm.

Về mảng hóa chất, PVFCCo cũng đạt kết quả khá khả quan, trong đó sản lượng kinh doanh NH3 tăng mạnh, đạt 24.300 tấn, tăng 286% so với cùng kỳ và hoàn thành 44% kế hoạch năm.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm PVFCCo cũng tiêu thụ được 27.000 tấn sản phẩm hóa chất khác bao gồm UFC85, CO2 và hóa phẩm dầu khí.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty ước đạt 4.915 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế ước đạt 430 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch năm.

"Cũng theo lãnh đạo PVFCCo, thời gian qua, dù giá khí tăng 25% so với giá kế hoạch nhưng lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra do giá bán các loại phân bón và hóa chất tăng. Cụ thể giá urea Phú Mỹ tăng 8%, giá phân bón khác tăng 23%, NH3 tăng 10%, UFC85 tăng 41% so với kế hoạch; chi phí quản lý bán hàng cũng giảm 20% so với cùng kỳ.

Trong nửa cuối năm 2018, PVFCCo dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn hàng ra thị trường, với sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phân bón đạt 570.000 tấn, trong đó Đạm Phú Mỹ khoảng 400.000 tấn, NPK Phú Mỹ 75.000 tấn. Tổng doanh thu 6 tháng cuối năm dự kiến đạt 4.113 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng.

Chỉ tiêu lợi nhuận 6 tháng cuối năm thấp hơn do dự án NPK bắt đầu được tính khâu hao sau khi chính thức nghiệm thu và vận hành, đồng thời thị trường cũng đã bước qua vụ tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm là vụ hè thu. Như vậy, dự kiến cả năm DPM có thể đạt 641 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Tổng doanh thu năm 2018 PVFCCo dự kiến đạt khoảng 9.028 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 641 tỷ đồng, đều vượt kế hoạch so với các chỉ tiêu được ĐHĐCĐ thông qua.

Khối ngoại có thể thôn tính

Kể từ đầu quý II tới nay, do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và động thái bán ròng của nhà đầu tư ngoại thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp giảm.

Tính đến phiên giao dịch ngày 12/7, chỉ số Vn-Index đã rơi xuống mức 891,58 điểm, tương ứng giảm 25,7% kể từ mức đỉnh 1.200 điểm hồi đầu tháng 4, và 8,6% kể từ đầu năm.

Cổ phiếu DPM cũng không nằm ngoài đà giảm của thị trường, hiện cổ phiếu này đang giao dịch tại vùng giá 16.700 đồng/cp, giảm 24,1% trong hơn 3 tháng qua, thanh khoản trung bình đạt gần 700.000 đơn vị mỗi phiên.

"Đạm Phú Mỹ cũng vừa công bố thông tin rút bớt các ngành nghề kinh doanh là bốc xếp hàng hóa (trừ bốc xếp hàng hóa cảng hàng không), vận chuyển hàng hóa đường bộ, vận tải đường thủy nội địa. Đồng thời điều chỉnh ngành nghề "sản xuất, truyền tải và phân phối điện" thành ngành "sản xuất điện".

Với kết quả kinh doanh ổn định, tăng trưởng qua từng năm, cùng với kế hoạch thoái vốn của PVN, cổ phiếu DPM vẫn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Mới đây, Đạm Phú Mỹ vừa quyết định điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại tổng công ty từ tỷ lệ 49% hiện tại lên mức không hạn chế.

Trong vài năm trước, doanh nghiệp này cũng đã tiến hành đầu tư một dự án có công nghệ hiện đại trong ngành phân bón, với mục tiêu trở thành nhà sản xuất kinh doanh phân bón, hóa chất quy mô lớn nhất Việt Nam. Ngay trong thời điểm hiện tại, ước tính Đạm Phú Mỹ này đã nắm tới khoảng 50% thị phần thị trường phân urea trong nước. 

Đồng thời, nhà máy NPK công nghệ hóa học do Đạm Phú Mỹ đầu tư đang trong giai đoạn chạy thử. Dự kiến, nhà máy này sẽ vận hành thương mại trong quý 3 năm 2018. 

Thách thức lớn nhất với doanh nghiệp này hiện chỉ là giá khí đầu vào làm nguyên liệu sản xuất đang tăng mạnh, ở mức khoảng 23% đã kéo giá thành urea Phú Mỹ phải tăng theo. Tuy nhiên, thực tế với vị trí thống lĩnh thị trường, cùng với hoạt động vừa sản xuất, vừa kinh doanh, nhập khẩu, việc điều tiết sản lượng và doanh thu thực tế là đang nằm trong tay của Đạm Phú Mỹ. 

Tất cả những điều đó cho thấy, với vị thế thống lĩnh thị trường và công nghệ hiện đại, việc nới room ngoại của Đạm Phú Mỹ có khả năng sẽ tạo "sóng" cổ phiếu của doanh nghiệp này, cả về giá và cả về lượng giao dịch. Câu chuyện Đạm Phú Mỹ dường như đang mang diễn biến giống với những cổ phiếu cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước như Vinamilk, hay Sabeco.

Có thể bạn quan tâm