Phán quyết của toà án Quốc tế về Biển đông: Thông điệp quan trọng cho các bên

Hôm nay (12/07) Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đ
Phán quyết của toà án Quốc tế về Biển đông: Thông điệp quan trọng cho các bên

Hôm nay (12/07) Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, liên quan đến các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dưới đây là những điểm then chốt, đang được theo dõi sát sao về vụ việc này.

Tại sao vụ kiện lại quan trọng? Đây là một trường hợp hiếm gặp. Quyết định này vừa có khả năng làm rõ nhiều vấn đề đang là trung tâm của những tranh chấp lãnh thổ nảy lửa ở Biển Đông, vừa có thể khơi dậy các căng thẳng đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Bối cảnh vụ kiện? Năm 2013, Philippines đã đưa vụ kiện lên Tòa án quốc tế về luật biển ở La Haye (Hà Lan). Họ đệ trình 15 cáo buộc khác nhau, trong đó nêu rõ các tuyên bố và hoạt động của TQ ở Biển Đông đã đi ngược lại luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện và không thừa nhận thẩm quyền của của tòa. Tuy nhiên, năm ngoái, Tòa trọng tài thường trực tuyên bố, họ có quyền phán xử ít nhất 7 trong số các cáo buộc trên và vẫn đang cân nhắc về 8 cáo buộc còn lại. Nhiều chuyên gia hy vọng, tòa có thể ra phán quyết chống lại TQ trên một số cáo buộc.

Phán quyết của toà án Quốc tế về Biển đông: Thông điệp quan trọng cho các bên ảnh 1
Đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép trên Biển Đông. Nguồn ảnh: EPA

Các hàm ý pháp lý? Cần phải nhấn mạnh rằng, tòa quốc tế ở La Haye (Hà Lan) đang không phân xử các tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, mà chỉ phân xử các quyền hàng hải gắn với những tuyên bố đó. Một trong những cơ sở chính cho vụ kiện của Philippines là nghi vấn về giá trị pháp lý của đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra trên bản đồ, vốn tuyên bố chủ quyền tới 90% diện tích Biển Đông. Theo các chuyên gia, toà có thể tuyên bố đường 9 đoạn là bất hợp pháp hoặc có thể nghi ngờ nó theo nhiều cách, buộc TQ phải làm rõ các căn cứ pháp lí cho đường ranh giới trên biển đó, điều mà TQ hiện vẫn lảng tránh. Các khía cạnh khác của vụ kiện khó dự đoán hơn. Tòa sẽ quyết định liệu nhiều thực thể địa lý, mà một vài trong số đó đã bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, nên được coi là bãi cạn lúc nổi lúc chìm (LTE), không có các vùng biển riêng của nó hay là đá, sở hữu vùng lãnh hải 12 hải lý hoặc là đảo, vốn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nhiều chuyên gia tin rằng, tòa sẽ tuyên bố một số đảo nhân tạo của Trung Quốc không có quyền sở hữu hợp pháp với các vùng nước xung quanh. Ý nghĩa của phán quyết trong thực tế? Tòa PCA không có quyền bắt ép thực thi phán quyết. Cơ quan này không thể buộc Trung Quốc phải làm điều gì và Bắc Kinh sẽ không rút khỏi bất kỳ đảo nhân tạo mới nào của họ. Song, nếu phán quyết của PCA ủng hộ Philippines, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại danh tiếng và bị cô lập trong khu vực nhiều hơn, nếu họ phớt lờ Tòa và tiếp tục theo đuổi các tuyên bố chủ quyền của mình. Chính quyền Obama hiện coi phán quyết của tòa Liên hợp quốc như một cuộc sát hạch xem liệu Trung Quốc có tuân thủ luật pháp quốc tế hay không. Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao? Ngoài việc bác bỏ thẩm quyền của PCA, Trung Quốc đã và đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ quốc tế đối với quan điểm của nước này rằng, việc tòa ra phán quyết là không chính đáng. Bắc Kinh tuyên bố hiện đã có 60 nước ủng hộ. Nhưng theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một cơ quan cố vấn của Mỹ, hiện chỉ có 8 chính phủ công khai ủng hộ Bắc Kinh, bao gồm cả những nước không giáp biển như Lesotho và Afghanistan. Nếu phán quyết của PCA chống lại Trung Quốc, nước này có khả năng tìm cách trừng phạt Philippines, có thể thông qua hạn chế khách du lịch hoặc nhập khẩu một cách không chính thức. Mỹ có liên quan như thế nào? Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc đáp trả một phán quyết bất lợi và quyết định gia tăng các tham vọng quân sự ở Biển Đông, bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với không phận trong khu vực hoặc bằng cách cố gắng xây dựng một đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough, một thực thể địa lý mà Philippines cũng tuyên bố chủ quyền. Nhằm đối phó với một phản ứng hung hăng hơn của Trung Quốc, Mỹ đã điều các khí tài quân sự trọng yếu tới khu vực, kể cả một hàng không mẫu hạm ghé thăm biển Đông và các chiến đấu cơ tới Philippines. Thông điệp gửi tới Bắc Kinh là, bất kỳ động thái nào đối với bãi cạn Scarborough của Trung Quốc cũng  sẽ vấp phải một phản ứng thích đáng của Mỹ. Tuy nhiên, các chuẩn bị về mặt quân sự này thể hiện rõ khả năng biển Đông sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều giữa Mỹ và Trung Quốc. Duy Khương (theo Financial Times)

Có thể bạn quan tâm