Quyết IPO, liệu có “lương duyên” với Vinalines?

Vốn không phải là vấn đề quá lớn đối với Vinalines, tuy nhiên một hay một số đối tác chiến lược là yếu tố quyết định để tập đoàn này mở rộng quy mô và phát triển…,đây cũng là là mục đích của Vinalines
Quyết IPO, liệu có “lương duyên” với Vinalines?

Chiều ngày 20/8/2018, buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thu hút được sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư và giới truyền thông.

Tại hội thảo, ông Lê Anh Sơn Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa, chia sẻ quan điểm về chiến lược phát triển toàn diện cho các mảng hoạt động chính, bao gồm: Dịch vụ vận tải biển, Dịch vụ hàng hải và Dịch vụ khai thác cảng.

Theo ông Sơn: “Vinalines sẽ tập trung vào kinh doanh cảng biển nước sâu và dịch vụ cốt lõi xung quanh hình thành nên chuỗi khép kín, chào (bán sản phẩm) cho các nhà sản xuất, nhà phân phối, hãng tàu lớn. Cung cấp giải pháp tốt nhất cho khách hàng”.

Chia sẻ về việc tìm kiếm đối tác chiến lược, ông Lê Anh Sơn cho biết: “Nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng, kho bãi, đội tàu nhưng Vinalines sẽ cố gắng lựa chọn nhà đầu tư nào đem lại lợi ích lớn nhất”.

Như vậy, có thể nhận thấy việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược vẫn là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu của Vinalines. Nếu Vinalines có được những cổ đông có thế liên kết được với thế mạnh vận chuyển hàng hóa của tập đoàn này, tạo lên chuỗi kinh doanh khép kín, thì đây sẽ là bước đột phá đối với tập đoàn này trong việc chào bán cổ phần chứ không đơn giản là việc mang lại nguồn vốn cho Vinalines.

Đây là bước đi khá hợp lý của Vinalines, khi trong thời điểm hiện tại, việc chào bán nhỏ lẻ hay được giá cổ phiếu là không hề dễ dàng, trong điều kiện thời gian vừa qua Vinalines có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Cụ thể, mới đây, Vinalines cũng đã công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018 với tổng doanh thu đạt hơn 6.650 tỉ đồng và lợi nhuận công ty mẹ đạt 73 tỉ đồng. So với mục tiêu 668 tỉ đồng lợi nhuận cho cả năm 2018 thì con số 73 tỉ đồng như trên rõ ràng là rất thấp.

Điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vinalines cũng không hề dễ dàng. Cụ thể, trong số ba nhóm điều kiện chung, đáng chú ý nhất là việc các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động kinh doanh hai năm gần nhất tính từ thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi và không có lỗ lũy kế. Các nhà đầu tư phải có cam kết bằng văn bản về việc tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của Vinalines trong thời gian ít nhất ba năm kể từ khi chính thức được lựa chọn.

Tuy nhiên, việc IPO của Vinalines cũng nhận được sự quan tâm của các tập đoàn Hàn Quốc như Hyundai Motor, SK và tập đoàn xi măng Thái Lan Siam Cement. Trong đó, Hyundai Motor đã gửi một bức thư chính thức tới Vinalines với mong muốn tham gia vào đợt cổ phần hóa, còn Siam Cement đang quan tâm tới việc hợp tác với Vinalines trong lĩnh vực khai thác cảng biển - một “mỏ vàng” mà Vinalines đang sở hữu.

Nếu chỉ nhìn vào doanh thu và lợi nhuận hiện tại của Vinalines thì không quá hấp dẫn nhưng tổng công ty này vẫn đang có những lợi thế riêng biệt đủ để thu hút những nhà đầu tư sành sỏi, sẵn sàng chấp nhận đầu tư dài hạn. 

Tận dụng những lợi thế tuyệt đối này, đại diện Vinalines ra sức quảng cáo, cụ thể, ông Sơn cho biết: “Cảng của Vinalines hiện nay là 1 trong 19 cảng trên toàn cầu có thể đón nhận siêu tàu container lớn, đã xuất hiện trên bản đồ hàng hải thế giới. Khu vực Đông Nam Á chỉ có 3 quốc gia có khả năng đón được tàu cỡ lớn là Việt Nam, Singapore và Malaysia.”

Vinalines sẽ tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu như: Bán các tàu cũ, kỹ thuật kém hoặc hoạt động không hiệu quả. Tổng công ty sẽ thay thế bằng các tàu có công nghệ mới, tính năng hiện đại, có tỷ suất đầu tư hợp lý để hiệu quả khai thác cao hơn. Bên cạnh đó, Vinalines sẽ tiếp tục phát triển đội tàu container thế hệ mới, áp dụng công nghệ thông tin để tạo thành chuỗi cung ứng khép kín.

Tuy nhiên, với những khó khăn chung của thị trường, sự đặc biệt ngành nghề, bức tranh tài chính không mấy khả quan của Vinalines, liệu rằng có lương duyên giống với thương vụ hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai, đã được đánh giá một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối hay không là điều đáng chờ đợi.

Vinalines đã có bản công bố thông tin cho các nhà đầu tư trong đợt IPO dự kiến diễn ra đầu tháng 9/2018. Theo đó, Vinalines sẽ bán 20% vốn trong đợt IPO và 14,8% vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Khoảng 0,2% vốn sẽ được phân bổ qua việc bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn của tổng công ty. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 65% vốn điều lệ của Vinalines.Tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược đã giảm còn 14,8% vốn điều lệ, song nếu thắng đấu giá toàn bộ lượng cổ phần chào bán ra công chúng, nhà đầu tư chiến lược vẫn có thể sở hữu 34,8% vốn điều lệ của Vinalines. Theo lộ trình, Vinalines sẽ tiến hành IPO trước, và sau đó sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Giá đấu giá thành công bình quân trong đợt IPO sẽ được sử dụng để làm giá khởi điểm cho đợt chào bán cho nhà đầu tư chiến lược.

Có thể bạn quan tâm