“Sóng thần” 4.0 buộc các doanh nhân phải “khởi nghiệp” liên tục

Cuộc cách mạng 4.0 như một cơn sóng thần đang ồ ạt tiến vào làm thay đổi môi trường kinh doanh. Những cách thức kinh doanh phi truyền thống đang phá vỡ, làm đảo lộn trật tự kinh doanh cũ, khiến không
“Sóng thần” 4.0 buộc các doanh nhân phải “khởi nghiệp” liên tục

Để có thêm góc nhìn về 4.0, những giải pháp để DN Việt có thể đứng vững, phát triển, Thương Gia đã có cuộc trao đổi với TS.Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm CEO Trường Doanh nhân Bizlight.

Sức mạnh khó cưỡng của làn sóng công nghệ 4.0

Cách mạng 4.0 đã len lỏi vào nhiều lĩnh vực, vậy đối với các doanh nhân, họ phải thay đổi như thế nào để thích ứng được trong môi trường kinh doanh mới, thưa ông?

Theo tôi, có 4 sự thay đổi cơ bản của doanh nhân thời 4.0:

Thứ nhất là tốc độ, tức là anh phải làm sao triển khai kế hoạch kinh doanh một cách nhanh nhất. Trong chuỗi sự kiện mà Bizlight tổ chức vừa qua và sắp tới, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, sau khi đã có mô hình kinh doanh, nắm bắt được nhu cầu thị trường thì phải nhanh chóng triển khai. Nếu chậm thì “đại dương xanh” sẽ nhanh chóng trở thành “đại dương đỏ” vô cùng khốc liệt.

Thứ hai là vấn đề về công nghệ. Trí tuệ nhân tạo và robot sẽ tác động rất lớn. Các lĩnh vực như dệt may, da giày, nông nghiệp... sử dụng nhiều nhân sự sẽ dần thay thế bằng robot tự động hóa. Nhiều dịch vụ như tổng đài 1080 hoàn toàn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, thay thế con người. Cho nên, các doanh nhân 4.0 phải làm sao sử dụng công nghệ hiệu quả.

Thứ ba đó là thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Ví như internet thời 4.0 là “Internet of Thinks – Kết nối vạn vật”, tức là sẽ kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo, không giống như thời kỳ 3.0 con người chỉ sử dụng internet để làm công việc cho nó nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Thứ tư là phải chấp nhận cái gọi là toàn cầu hóa, hội nhập, có nghĩa là doanh nhân ngày nay không phải là một người mà làm được. Các bạn làm Start-up cứ nghĩ một mình mình làm được nhưng chưa đủ, thời 4.0 đòi hỏi phải kết hợp với nhau lại thành một cộng đồng kinh doanh. Người nào kết nối càng tốt thì sẽ tạo nên một hệ sinh thái càng lớn, càng hiệu quả.

Doanh nhân thời nay không phải là người thực thi từng vấn đề mà phải làm sao cho bộ máy chạy tốt. Bộ máy ở đây không phải là trong DN mà là bộ máy trong hệ sinh thái của anh, bao gồm báo chí, truyền thông, kinh doanh, giải trí... Để trở thành doanh nhân thực thụ, anh phải làm sao kết nối tất cả những thứ đó lại với nhau, không cần phải hoàn hảo nhưng phải thực sự trơn tru, vận hành tốc độ, linh hoạt và thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường công nghệ. Còn những con người dưới doanh nhân mới chính là những người thực thi.

Làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 đang ồ ạt tiến vào như một cơn sóng thần, rất khó cưỡng lại sức mạnh của nó nhưng các doanh nhân của chúng ta lại khá chủ quan, chậm thích nghi cả về góc độ công nghệ mà cả về việc đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả”.

Theo nhận định của ông, các doanh nhân Việt Nam đã thích nghi như thế nào với công nghệ 4.0?

Theo tôi là chưa tốt. Làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 đang ồ ạt tiến vào như một cơn sóng thần, rất khó cưỡng lại sức mạnh của nó nhưng các doanh nhân của chúng ta lại khá chủ quan, chậm thích nghi cả về góc độ công nghệ mà cả về việc đưa ra các giải pháp thực thi hiệu quả. Có nghĩa là các DN truyền thống chưa thay đổi kịp để gắn hoạt động kinh doanh với nhu cầu của cuộc sống.

Điển hình là trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển khách, các ứng dụng gọi xe thông minh của nước ngoài từ xe ôm đến taxi như Grab, GoViet (phía sau là GoJek của Indonesia), sắp tới là FastGo và nhiều ứng dụng khác đã lấn át hoàn toàn cách gọi xe truyền thống. Thị phần sẽ rớt hẳn vào các ứng dụng này, nếu các DN không bắt kịp, không đi cùng làn sóng này. Nói cách khác, nếu chủ quan, chậm thích nghi, không chuẩn bị sẵn các giải pháp thay đổi nhanh chóng thì chắc chắn sẽ bị thất bại.

Vì thế, tôi nhấn mạnh là để thích ứng với làn sóng 4.0 khiến tất tần tật mọi thứ thay đổi rất nhanh, các doanh nhân phải liên tục “khởi nghiệp”, nghĩa là luôn luôn đổi mới, sáng tạo, thực thi nhanh chóng các giải pháp kinh doanh hiệu quả.

Theo thống kê của VCCI thì 55% DN thành lập thời gian qua đã ngưng hoạt đông, 42.000 DN trong năm 2017 không có lợi nhuận. Đó là kết quả của việc chưa bắt kịp với làn sóng 4.0.

Đam mê chưa đủ lớn thì sẽ rất khó thành công

Từ những số liệu thống kê trên, ông có nghĩ rằng, kinh doanh thời 4.0 khó khăn và khốc liệt hơn các thời kỳ trước?

Tôi cho rằng đã xác định làm kinh doanh thì thời nào cũng khó. Ở đây là mỗi thời mỗi khác, khó cái này những lại dễ cái khác. Tôi đơn cử, trước đây kinh doanh gắn liền với vốn, vốn là số 1 nhưng doanh nhân 4.0 hoàn toàn có thể “tay không bắt giặc” vì chúng ta đã có một hệ sinh thái để hỗ trợ nguồn vốn cho các start-up. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều start-up gọi vốn thành công từ vài triệu đến vài chục triệu USD.

Ngược lại, doanh nhân 4.0 lại cần nhiều thứ hơn ngoài vốn, như mô hình kinh doanh khả thi, ý tưởng sáng tạo, tốc độ thực thi nhanh chóng... Nếu không thì “đại dương xanh” sẽ mau chóng trở thành “đại dương đỏ” vô cùng khốc liệt. Con số 98% các start-up khởi nghiệp thất bại rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm và có những hành động cụ thể.

Để thích ứng với làn sóng 4.0 khiến tất tần tật mọi thứ thay đổi rất nhanh, các doanh nhân phải liên tục “khởi nghiệp”, nghĩa là luôn luôn đổi mới, sáng tạo, thực thi nhanh chóng các giải pháp kinh doanh hiệu quả”.

Theo ông thì đâu là những nguyên nhân khiến tỷ lệ các start-up khởi nghiệp thất bại lại nhiều đến thế?

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chúng ta tập trung vào ba yếu tố chính khiến cho các DN hiện nay, đặc biệt là các start-up không thành công.

Thứ nhất, đó là sự đam mê. Ai khởi nghiệp cũng bắt đầu xuất phát từ sự đam mê nhưng nếu không đủ lớn thì sẽ rất khó thành công. Bởi kinh doanh không đẹp như người ta nghĩ mà là chiến trường khốc liệt. Trục trặc, thách thức là chuyện hàng ngày phải đối mặt nên phải có đam mê đủ lớn mới có thể vượt qua, không bỏ cuộc, quay đầu chấp nhận thất bại.

Thứ hai là yếu tố hỗ trợ của sự sinh thái. Hầu hết các start-up chưa có được một hệ sinh thái đủ mạnh, đa dạng kết nối, chia sẻ chặt chẽ với nhau để tạo nên một cộng đồng kinh doanh đủ lớn. Họ khởi nghiệp bằng cách làm những việc họ đã từng làm nhưng quên rằng câu chuyện kinh doanh là kết nối, tạo nên một cộng đồng chia sẻ càng lớn càng tốt, tạo ra lợi ích lớn nhất thay vì chăm chăm vào kinh doanh để kiếm lợi nhuận.

Thứ ba là xác định sai thị trường, sai sản phẩm dịch vụ. Các start-up thường nghĩ là sản phẩm của họ phù hợp với thị trường nhưng không phải vậy. Cũng là bán cafe nhưng không phải ai mở quán cafe cũng thành công. Vậy nên phải làm sao “gãi đúng chỗ ngứa” của thị trường bằng sự khác biệt thì mới thắng được.

Doanh nhân 4.0 lại cần nhiều thứ hơn ngoài vốn, như mô hình kinh doanh khả thi, ý tưởng sáng tạo, tốc độ thực thi nhanh chóng... Nếu không thì “đại dương xanh” sẽ mau chóng trở thành “đại dương đỏ” vô cùng khốc liệt”.

Vậy đâu là một chiến lược đúng đắn để thành công?

Có nhiều yếu tố để tạo nên thành công nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến 3 yếu tố cần thiết trước khi “ra trận”.

Thứ nhất, các start-up phải có mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, tức phải làm cái gì, sản phẩm gì, phục vụ gì đáp ứng cho trị trường nào, phân khúc nào… Mô hình kinh doanh rất quan trọng, nó có giải quyết được một vấn đề nào đó mà cuộc sống đặt ra hay không, chứ không phải mô hình của mình, theo ý tưởng của mình, không phải vậy. Đã quá xa rồi câu chuyện thích cái gì làm cái đó. Và như tôi vừa nói, “hãy bán cái mà người ta cần, thay vì hãy bán cái mình có”, tức là chúng phải gắn với cuộc sống, phải giải quyết được bài toán mà cuộc sống đặt ra.

Thứ hai phải thực sau khi chúng ta có mô hình kinh doanh là biết mình làm cái gì, cung cấp cái gì thì chúng ta phải thực thi nhanh chóng. Bởi vì khi chúng ta làm chậm thì lúc đó thị trường nó không còn xanh nữa, mà đã là thị trường đỏ. Thị trường sẽ không mãi xanh, sẽ đỏ, đỏ rất nhanh chóng.

Tôi lưu ý là ngoài làn sóng 4.0 thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ngày càng gay cấn, các nước sẽ co cụm lại, thị trường nội địa ngày càng phát triển mạnh mẽ, thương mại sẽ chuyển từ đa phương sang song phương... Rất nhiều thay đổi đòi hỏi DN phải thực thi các giải pháp nhanh chóng nếu không muốn bị lấn át.

Thứ ba là kinh doanh cái gì thì phải am hiểu, dựa trên nền tảng pháp lý vững chắc, không chỉ pháp luật trong nước và cả quốc tế, nhất là các Hiệp định tự do thương mại (FTA) bởi khi tham gia các FTA, các cam kết của chúng ta còn cao hơn cả pháp luật trong nước.

Bizlight được biết đến là tổ chức có nhiều hỗ trợ cho giới doanh nhân, vậy sắp tới, Trường có những hoạt động gì để hỗ trợ đội ngũ này?

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào 3 hoạt động chính, mang ý nghĩa thiết thực cho các doanh nhân, nhất là các bạn khởi nghiệp. Đó là đào tạo, tổ chức các sự kiện và tư vấn pháp lý.

Vừa rồi, Bizlight phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo “Khám phá bí quyết tăng trưởng đột phá trong đại dương đỏ” với hơn 700 người tham dự. Tôi tâm đắc với nhiều chia sẻ của các diễn giả, trong đó có Shark Thủy, Chủ tịch Apax English nói về câu chuyện “mượn”, “giành” và “dẫn” của các start-up. Có nghĩa rằng khi mới bắt đầu, chưa đủ tiềm lực thì chúng ta “mượn" của người khác, tập cách thức đứng trên vai người khổng lồ. Chúng ta cùng đi với những người khổng lồ thì chúng ta sẽ sớm thành khổng lồ. Chúng ta cần giảm cái ganh tị của mình lại, giảm cái tôi của mình lại.

Thông thường những người giỏi người ta sẽ đi một mình nhưng doanh nhân trong 4.0 thì chúng ta phải đi cùng với nhau mới đi xa được. Tiếp theo, khi chúng ta đủ lực thì phải “giành” cho được thị trường. Sau khi giành được thị phần rồi chúng ta phải dẫn, dẫn đầu thị trường.

Đó là bài học nhưng cốt lõi là sự khác biệt và phù hợp. Khi xác định đúng thì phải mượn, giành và dẫn đầu thị trường một cách nhanh chóng nhất.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH My Second Home

Doanh nhân là nghề chịu nhiều cái "nhất”

Doanh nhân thường được mọi người nghĩ đến với những gì hoa mỹ, thế nhưng có làm mới biết, doanh nhân là nghề chịu nhiều cái "nhất": cực nhất, áp lực nhất, chịu trách nhiệm trước nhất. Trên có trách nhiệm với cổ đông, dưới có trách nhiệm với anh chị em nhân viên đang cùng mình kề vai sát cánh...

Hai năm đầu thành lập công ty, cái gì cũng khó như đối tác chậm trả tiền hay tình trạng "chảy máu chất xám"... Mỗi ngày qua đi tôi đều phải dốc sức để giữ cho công ty phát triển, bảo đảm quyền lợi trước hết là của anh chị em nhân viên, sau nữa là lợi nhuận của các cổ đông, rồi giữ cho tất thảy nhân viên luôn cùng đồng lòng chung sức, cùng chung chí hướng với sự phát triển của công ty. Những áp lực này, có làm doanh nhân rồi mới có thể thấm, có thể hiểu và có thể đồng cảm. Thế nhưng, mỗi nghề mỗi nghiệp, vất vả là thế nhưng doanh nhân cũng là nghề đem lại nhiều niềm vui. Vui khi chứng kiến công ty phát triển từng ngày, vui khi thu nhập của cán bộ công nhân viên ngày một tốt hơn...Cứ thế những niềm vui nhỏ tích thành hạnh phúc to trong quá trình trở thành một doanh nhân.

Là một DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, tôi nhận thấy thị trường BĐS hiện nay đang tăng trưởng ở mức nhanh, điều này khiến mọi người lo lắng về chu kỳ khủng hoảng có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay các chỉ số hay dấu hiệu của khủng hoảng vẫn chưa thể hiện rõ nét, chính vì thế chúng ta có thể tin rằng thị trường bất động sản vẫn đang kiểm soát tốt và ổn định.

Để đảm bảo không khủng hoảng, chúng tôi kỳ vọng Nhà nước sẽ tiếp tục có sự quản lý tốt hơn về tài chính và chính sách, tiếp tục kiên định với mục tiêu phát triển hạ tầng và mở các cơ chế thu hút vốn đầu tư. Việt Nam hiện nay được coi là thị trường của tiềm năng và cơ hội, khả năng kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hoàn toàn khả thi, tuy nhiên các chương trình xúc tiến đầu tư cần đi vào thực chất hơn để có thể thu hút hiệu quả dòng vốn ngoại.

Bà Mai Thị Hồng Nguyên – TGĐ Cty TNHH Song Tinh:

“Chính phủ và DN nên là đối tác”

“Sóng thần” 4.0 buộc các doanh nhân phải “khởi nghiệp” liên tục ảnh 2

Thời gian qua, với nhiều nghị quyết của Đảng, Chính phủ liên quan đến DN, doanh nhân đã được ban hành như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khóa 12) về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 09-NQ/TW, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết19-2017/NQ-CP... đội ngũ DN, doanh nhân đã thực sự khẳng định vị thế, vai trò và động lực quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Tuy nhiên để cho giới doanh nhân có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, theo tôi Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển.

Quan trọng nhất, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và DN nên được đẩy mạnh lên thành một quan hệ đối tác. Bởi vì chính DN là những đầu mối có thể tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu phát triển toàn cầu và vì thế có thể mang những thành tựu đó phát triển lên, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Về ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi nghĩ đây không chỉ đơn thuần là một ngày lễ kỷ niệm, mà nó còn là ngày để tôn vinh giới doanh nhân Việt Nam, phát động tinh thần kinh doanh trong xã hội; ngày đề cao vai trò, vị trí của giới doanh nhân Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội..

Ông Trần Quốc Huấn – Trang trại Delco:

“Mong Chính phủ hỗ trợ DN nông nghiệp ứng dụng CN cao”

Trang trại Delco chúng tôi đang ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong tất cả các khâu sản xuất. Điều này đã giúp chúng tôi kiểm soát được quy trình sản xuất nhằm đưa ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Thông qua các ứng dụng tin học, ứng dụng về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ứng dụng theo dõi trực tuyến... người tiêu dùng ngày càng tin tưởng đến sản phẩm của chúng tôi hơn từ quy cách sản xuất đến xuất xứ của sản phẩm.

Mặc dù các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung và phát triển DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng đã được Nhà nước ban hành khá đồng bộ nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Số lượng DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ít và vẫn trong giai đoạn “dò dẫm”.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Chính phủ sẽ đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam phát triển nhất là các DN trẻ áp dụng các nền tảng IOT và công nghệ mới, giúp họ phát triển tốt hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng như đối với các DN công nghệ khác, nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn gần đây của Chính phủ và ngành Ngân hàng, đặc biệt Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vốn khởi nghiệp và kinh doanh của các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách mở hơn trong việc cung cấp nguồn vốn để những DN nông nghiệp ứng dụng cao như chúng tôi có thể tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng...

Bà Nguyễn Thị Oanh - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP TB-VPP Hoàng Minh:

“Nâng cao nhận thức trong việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường”

So với các quốc gia phát triển và các quốc gia trong khu vực, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường trên thị trường Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó là các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường phức tạp, không rõ ràng, chưa cụ thể, khó thực thi trên thực tế nên các DN không có động lực để thực hiện các thủ tục gắn Nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm....

Để các sản phẩm thân thiện với môi trường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn nữa, tôi mong muốn, thứ nhất, các cơ quan nhà nước cần có kế hoạch và thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các DN, người tiêu dùng và người dân nhằm định hướng sự lựa chọn mua sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.

Thứ ba, các quy định hướng dẫn ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường cần cụ thể, minh bạch và rõ ràng, dễ tiếp cận nhằm bảo đảm cho các DN nắm bắt được những ưu đãi, hỗ trợ mà mình được thụ hưởng khi đầu tư, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc, quyết liệt đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xả chất thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt những nơi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Có thể bạn quan tâm