Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thị trường chứng khoán phải sớm được nâng hạng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định TTCK là “phong vũ biểu” của nền kinh tế với vai trò là kênh huy động vốn quan trọng và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, xây dựng và phát triển TTCK được xác định là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thị trường chứng khoán phải sớm được nâng hạng

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho thị trường vốn. Trong đó, HoSE khẳng định vị trí đầu tàu.

“Chúng ta rất tự hào, TTCK non trẻ của chúng ta đã kiên cường vượt qua mọi thử thách của nhiều cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế khu vực, toàn cầu, đặc biệt là trước những tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian gần đây và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục nhanh nhất và ổn định nhất trong khu vực”, Thủ tướng nói.

Nhằm phát huy hơn nữa tinh thần tích cực nói trên, yêu cầu đặt ra với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần giúp hệ thống doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa. Do vậy, ngành chứng khoán phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi.

Để thực hiện được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán và các cơ quan ban ngành liên quan tập trung thực hiện 7 biện pháp.

Thứ nhất, cần có tư duy đột phá, hành động quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho việc phát triển đồng bộ thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Ngay trong năm nay, các cấp phải ban hàng đồng bộ nghị định, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan. Yêu cầu đặt ra với hệ thống pháp luật mới là có sự đổi mới, có tầm nhìn trung và dài hạn, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cơ hội công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ 2, đảm bảo sự phát triển nhịp nhàng, đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ… hướng tới cơ cấu các thị trường hoàn chỉnh, để phát huy sức mạnh tổng hợp trong huy động nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế.

Thứ 3, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển nhanh quy mô, chất lượng thị trường, trong đó đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn liền niêm yết, thúc đẩy tư nhân niêm yết tăng cường công khai, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư, áp dụng các chuẩn mực quốc tế về kế toán, quản trị điều hành…

Thứ 4, sớm hoàn thiện cơ cấu tổ chức thị trường chứng khoán, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kỹ thuật để phát triển thị trường an toàn, bền vững.

Thứ 5, tăng cường năng lực, tập trung nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo công khai minh bạch, bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia thị trường; củng cố hoàn thiện cơ chế pháp luật của Bộ Tài chính,  Uỷ ban Chứng khoán và các bộ ngành cơ quan chức năng, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp với những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước.

Thứ 6, tập trung đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ hiệu quả giao dịch, thanh toán, giám sát và nâng cao hiệu quả quản trị. Đồng thời, các bên tham gia thị trường sớm triển khai số hóa các tài sản, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Thứ 7, chủ động hội nhập với thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán khu vực, quốc tế, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, điểm đến an toàn tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn.

Có thể bạn quan tâm