Thua lỗ triền miên Meiko Thạch Thất vẫn đề nghị tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng

Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường, về việc xin ý kiến thẩm định hồ sơ dự án của Công ty Meiko tại khu công nghiệp Thạch
Thua lỗ triền miên Meiko Thạch Thất vẫn đề nghị tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng

Theo văn bản trên, Công ty TNHH điện tử Meiko đã kiến nghị lên Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đăng ký đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Công ty Meiko tại khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội.

Cụ thể, nội dung điều chỉnh: Tăng vốn đầu tư từ 4.800 tỷ đồng lên 9.327,6 tỷ đồng, tăng 4527,6 tỷ đồng tương đương 200 triệu USD, nguồn vốn huy động từ vốn vay.

Theo Meiko, nếu được chấp thuận điều chỉnh tăng vốn lên gần 5.000 tỷ đồng, Meiko sẽ thực hiện thêm các công việc: Xây dựng nhà máy PCB số 3 và trạm thu hồi đồng, mua sắm lắp đặt máy móc thiết bị cho các nhà máy…

Được biết, dự án Meiko Thạch Thất được cấp phép vào năm 2006 với tổng vốn đầu tư là 4.800 tỷ đồng trong đó vốn góp là 1.440 tỷ đồng. Cuối năm 2009 thì đi vào hoạt động, theo Meiko, đến nay dự án đạt doanh thu gần 900 triệu USD, chưa có lợi nhuận, lỗ lên đến 40 triệu USD.

Lưu ý, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 5/12/2006, Công ty Meiko đã 6 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, lần mới đây nhất là vào ngày 7/2/2018.

Tuy nhiên, lần này, dự án điều chỉnh có quy mô lớn hơn 5.000 tỷ đồng, căn cứ trên cơ sở pháp Luật hiện hành thẩm quyền chấp nhận đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2006, Meiko được biết đến là thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới khi chính thức đầu tư vào Việt Nam thông qua dự án Nhà máy điện tử đầu tiên của tập đoàn, vào năm 2006, tại Khu Công nghiệp Thạch Thất (Hà Tây cũ).

Dự án đầu tư của Meiko là một trong 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất năm 2006 và cũng là dự án sản xuất điện tử lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm đó.

Năm 2017, gần 38% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm, mức kỷ lục lớn nhất kể từ năm 2012 đến nay. Đây là con số do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố gần đây. Cụ thể, năm 2017, Tổng Cục thuế tiến hành thanh tra trên 700 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.200 tỷ đồng, giảm lỗ trên 9.200 tỷ đồng, tất cả đều tăng khoảng 30% so với năm 2016.

Con số này khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế đặt nghi vấn về việc các doanh nghiệp FDI chuyển giá. Đây không phải là câu chuyện mới, khi vài năm trở lại đây đã có hàng loạt công ty như Metro, BigC... bị cơ quan thuế phanh phui hoạt động chuyển giá và bị truy thu về ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm