TS. Nguyễn Đình Cung nêu giải pháp để GDP năm 2016 tăng 7,0%

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nếu thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm bội chi và đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN thì GDP có thể sẽ tăng đạt 7,0% năm 2016. Tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016 và v
TS. Nguyễn Đình Cung nêu giải pháp để GDP năm 2016 tăng 7,0%

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nếu thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm bội chi và đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN thì GDP có thể sẽ tăng đạt 7,0% năm 2016.

Tại Hội thảo tình hình kinh tế vĩ mô quý III/2016 và vấn đề Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 và 2020 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28/10, các chuyên gia của CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 đạt 6,33%.

GDP quý IV có thể đạt 7,19%

Theo ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (Viện CIEM), chỉ số tăng trưởng mà CIEM đưa ra dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong quý IV phù hợp với bối cảnh kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước.

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2016 của nước ta ước đạt 7,19%. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%. Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2016 dự báo tương ứng ở mức 8,82% và 7,44%.

Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu tăng trưởng kinh tế ở các nước đối tác nhanh hơn (theo IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2016 tăng 3,1%) và Hoa Kỳ không nâng lãi suất thì tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2016 có thể đạt gần 7,7%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế đạt 4,8 tỷ USD cho cả năm 2016. CPI tiếp tục tăng, dự báo ở mức 1,47% trong quý IV.

Về diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý IV, ông Dương cho rằng, sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: Thứ nhất, quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn còn bất định. FED vẫn để ngỏ khả năng nâng lãi suất USD trong quý IV; nếu điều này không được hiện thực thì dòng vốn và/hoặc mặt bằng lãi suất và/hoặc tỷ giá VNĐ/USD ở Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều bất định hơn.

Thứ hai, các FTA thế hệ mới chậm được phê chuẩn và/hoặc thiếu đột phá trong đàm phán, qua đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng thương mại trên thế giới nói chung. Xu hướng bảo hộ và trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn diễn ra khá phức tạp.

Cuối cùng là chất lượng của các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh – hướng dẫn thực thi các Luật quan trọng (như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi,...), tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 19) – cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, không chỉ trong quý IV mà còn cả các năm tiếp theo.

Tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính

Trong bối cảnh đó, CIEM đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó CIEM cho rằng Chính phủ cần tiếp tục khẳng định ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) gắn với xử lý nợ xấu. Quá trình này cần có những chuyển biến căn bản vào giữa quý IV.

Về chính sách tiền tệ, CIEM kiến nghị, cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với ổn định lạm phát (không chỉ là lạm phát cơ bản), qua đó giúp doanh nghiệp yên tâm hơn với quyết định đầu tư dài hạn. Tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính, bởi áp lực truyền tải từ việc FED có thể tăng lãi suất còn hiện hữu trong quý IV.

Theo CIEM, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tiền gửi bằng USD trong hệ thống NHTM cũng như qua cán cân thanh toán để có những điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, việc tái khẳng định mục tiêu ổn định tỷ giá VNĐ/USD vẫn rất có ý nghĩa trong quý IV và năm 2017.

Tránh lạm thu

Đối với chính sách tài khóa, CIEM khuyến nghị duy trì tốc độ thu NSNN trong quý IV bằng với tiến độ dự toán. Tránh lạm thu, thu trước hoặc bổ sung các loại thuế, phí thiếu tính giải trình hợp lý - dù có áp lực bảo đảm thực hiện thu NSNN theo dự toán năm 2016.

“Cần cân nhắc nghiêm túc và thực chất hơn yêu cầu tiết kiệm chi NSNN, cắt giảm các hoạt động đầu tư công không thực sự cần thiết, kém hiệu quả hoặc chậm triển khai trong quý IV/2016 và các năm tiếp theo”- ông Nguyễn Ánh Dương nhấn mạnh.

Cùng với các giải pháp nêu trên, CIEM cũng kiến nghị cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn TPCP nhằm tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vốn cho NSNN. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm số giấy tờ, rút ngắn thời gian nộp thuế và hoàn thuế cho doanh nghiệp. Xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn nhằm tạo niềm tin và củng cố tính bền vững của nợ công. Đặc biệt, cân nhắc việc sớm khống chế trần thâm hụt NSNN ở mức 4% GDP trong thời gian tới (trước năm 2020).

Liên quan đến chính sách thương mại, các chuyên gia của CIEM kiến nghị nghiên cứu, theo dõi và đánh giá sát sao, thực chất tác động của tỷ giá tới hoạt động xuất, nhập khẩu để có chính sách điều chỉnh tỷ giá phù hợp và hiệu quả hơn theo hướng hỗ trợ hiệu quả hơn cho hoạt động xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin về tình hình giá thế giới của các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ lực và cung cầu của các thị trường quan trọng để chủ động ứng phó với biến động của thị trường. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu một cách thực chất và hiệu quả hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm