Ủy ban quản lý tài sản nhà nước: Một cơ quan hành chính quản lý riêng đối với 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước

Ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã chính thức ra mắt.
Ủy ban quản lý tài sản nhà nước: Một cơ quan hành chính quản lý riêng đối với 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước

Ủy ban này sẽ nhận bàn giao và sau đó quản lý toàn bộ vốn, tài sản của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty với quy mô ước tính lên tới trên 1,5 triệu tỷ đồng trước đây thuộc Bộ chuyên ngành quản lý.

Đáng chú ý, việc bàn giao vốn, tài sản của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban phải hoàn thành trong vòng 45 ngày.

Trước đó, ngày 28/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực ngay sau khi ban hành.

Tính tới thời điểm ngày 30/9, toàn văn của Nghị định số 131/2018/NĐ-CP chưa thấy cập nhật trên cổng thông tin điện tử chính phủ.

Về hoạt động, như tên gọi, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thiên về quản lý hành chính, hơn là thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Do thế mà mô hình tổ chức của Ủy ban cũng thể hiện rõ đặc trưng này, với các cơ quan cấp Vụ, triển khai các hoạt động chuyên môn trong quản lý doanh nghiệp.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Ủy ban gồm Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Trung tâm thông tin.

Tuy nhiên, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Ủy ban hoạt động giống với một tổ chức đầu tư, hơn là một cơ quan quản lý hành chính.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ là đầu mối duy nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại 19 doanh nghiệp được bàn giao.

Đồng thời, Ủy ban cũng là đầu mối tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp…

Quyền hạn của Ủy ban này trải dài từ việc xem xét, phê duyệt chiến lược phát triển dài hạn, ngắn hạn của doanh nghiệp, giám sát thực hiện quy hoạch và giám sát kết quả hoạt động năm của doanh nghiệp. Quyết định việc rút vốn, góp vốn, thành lập giải thể, phá sản doanh nghiệp…

Ủy ban cũng có quyền hạn lớn trong lựa chọn lãnh đạo, khen thưởng, kỷ luật, quyết định thu nhập… lãnh đạo những doanh nghiệp được giao quản lý.

Với mô hình này, không khó để hình dung các tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sẽ hoạt động, kinh doanh trong sự chi phối, giám sát về tổ chức và vốn đầu tư của Ủy ban quản lý. Đồng thời là chi phối về nhiệm vụ doanh nghiệp nhà nước, nhiệm vụ chính trị của các bộ quản lý chuyên ngành.

Về nguyên tắc, điều này thực ra là đơn giản hóa, minh bạch hóa việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể là tách hoạt động quản lý kinh doanh  khỏi các bộ quản lý chuyên ngành, giúp các bộ ngành tập trung vào nhiệm vụ thể chế và quản lý của mình.

Danh sách các doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu:

          a) Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước

          b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

          c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam

          d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

          đ) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

          e) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

          g) Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam

          h) Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam

          i) Tổng công ty Viễn thông Mobifone

          k) Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam

          l) Tổng công ty Hàng không Việt Nam

          m) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

          n) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

          o) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

          p) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam

          q) Tổng công ty Cà phê Việt Nam

          r) Tổng công ty Lương thực miền Nam

          s) Tổng công ty Lương thực miền Bắc

          t) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam

          u) Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Người đứng đầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được công bố từ tháng 2/2018. Đó là ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng.

Về quản lý vốn Nhà nước, tân Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là người có kinh nghiệm dày dặn, dù là người có bằng Thạc sỹ kinh tế.

Ông Nguyễn Hoàng Anh từng có thời gian làm Giám đốc Công ty Thương mại Dịch vụ và XNK Hải Phòng (Tradimexco) - một doanh nghiệp thuộc Thành ủy Hải Phòng. Sau khi ông Hoàng Anh trở thành Đại biểu Quốc hội, Tradimexco đã mất rất nhiều thời gian xử lý khoản nợ hơn 400 tỷ đồng, để có thể cổ phần hóa.

Sau thời gian làm đại biểu quốc hội chuyên trách về các vấn đề xã hội, ông Hoàng Anh có vài năm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội. Ông cũng có thời gian dài nắm các chức danh lãnh đạo về Đảng và chính quyền tại Cao Bằng – một tỉnh chưa từng tạo được dấu ấn đặc biệt về phát triển kinh tế.

Có thể bạn quan tâm