8 lãnh đạo cấp cao ngân hàng ACB nhận thưởng hàng trăm nghìn cổ phiếu

Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có thông báo giao dịch cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của hàng loạt lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Thời gian dự kiến thực hiện các giao dịch theo hiệu lực phê duyệt của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
8 lãnh đạo cấp cao ngân hàng ACB nhận thưởng hàng trăm nghìn cổ phiếu

Trong đó, Tổng Giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát nhận nhiều cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP nhất với 90.000 cổ phiếu.

Tiếp theo là Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hoà (75.000 cổ phiếu), bà Nguyễn Ngọc Như Uyên và ông Nguyễn Khắc Nguyện cùng nhận 70.000 cổ phiếu, ông Bùi Tấn Tài nhận 50.000 cổ phiếu,...

Tổng số cổ phiếu thưởng theo chương trình ESOP mà những lãnh đạo này sẽ được nhận là hơn 427.500 cổ phiếu.

8 lãnh đạo ACB nhận cổ phiếu thưởng ESOP
8 lãnh đạo ACB nhận cổ phiếu thưởng ESOP

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Công đoàn ACB cũng chuyển nhượng hơn 4,1 triệu cho nhân viên theo quy chế ESOP của ngân hàng. Công đoàn sẽ thực hiện chuyển quyền sở hữu thông qua VSD.

Vào đầu tháng 7, ACB niêm yết bổ sung 675,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành lên 3,37 tỷ cổ phiếu. Qua đó vốn điều lệ của ngân hàng nâng lên 33.774 tỷ đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực từ 6/7.

Trước đó, ngân hàng đã phát hành cổ phiếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%. Nhà đầu tư giữ 100 cổ phiếu ACB sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu.

Về phương án xử lý cổ phiếu lẻ, ngân hàng cho biết cổ phiếu phát hành phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền sẽ làm tròn xuống hàng đơn vị. Phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 8/2022, giá cổ phiếu ACB dừng ở 24.650/cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ACB đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và thực hiện 60% kế hoạch năm (15.000 tỷ đồng).

Trong đó, thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ đều tăng 15% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 11.047 tỷ và 1.732 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 5% so với cùng kỳ, đạt hơn 448 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động góp vốn, mua cổ phần và hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, mang về cho ngân hàng lần lượt 32,7 tỷ và 725 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm đến 73% so với cùng kỳ 2021, xuống còn gần 25 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lỗ gần 238 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Trong kỳ, ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1.992 tỷ đồng. Riêng trong quý II, ngân hàng hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng.

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ACB tăng 3% lên hơn 543.700 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng ghi nhận tăng trưởng tới 9,3%, trích lập dự phòng rủi ro cho vay giảm 5,3%. Số dư tiền gửi khách hàng của ACB tăng 2,2% với hơn 388.000 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của ACB tăng 7% so với đầu năm lên 2.998 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 60%. Song, tỷ lệ nợ xấu vẫn giảm từ 0,78% xuống còn 0,76%.

Mới đây, ngày 26/8, bà Nguyễn Ngọc Như Uyên đã gửi đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lên Hội đồng quản trị.

Bà Nguyễn Ngọc Như Uyên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh của Trường Đại học Melbourne (Australia), gia nhập ACB năm 2015 với cương vị Giám đốc Đầu tư. Bà được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc tại ACB từ năm 2018 cho đến nay. Bà cũng là Giám đốc Khối Ngân hàng số (từ tháng 2/2022) và Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACBS.

Trước đó, bà từng công tác tại Công ty kiểm toán Arthur Andersen, Công ty TNHH KPMG Việt Nam, giữ chức vụ Giám đốc Đầu tư tại Mekong Capital và Giám đốc nghiệp vụ tại Dragon Capital.

Có thể bạn quan tâm