Tính trong 3 tháng đầu năm nay, có tới 2.880 cửa hàng bị đóng cửa, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2016. Nếu cứ theo tốc độ thế này, ước tính sẽ có 8.600 điểm bán hàng bị đóng trong năm nay, cao hơn cả con số của thời kỳ suy thoái 2008. Mỹ có tỷ lệ diện tích cửa hàng bán lẻ tính bình quân đầu người cao nhất thế giới, cao gấp 6 lần tỷ lệ của nước Anh.
Giới phân tích cho rằng, các nhà bán lẻ Mỹ đã tạo ra bong bóng giống như bong bóng nhà ở, và giờ đây bong bóng đó đã vỡ.
Dưới đây là 3 lời giải thích về sự sụp đổ gần đây của các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ.
Người dân mua nhiều hàng hóa trực tuyến hơn
Giải thích đơn giản nhất cho sự sụp đổ của các cửa hàng truyền thống là bị các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon chiếm mất thị phần. Từ năm 2010 đến cuối năm 2016, doanh thu của Amazon ở Bắc Mỹ đã tăng gấp 5 lần từ 16 tỷ USD lên 80 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu của Sears năm ngoái chỉ khoảng 22 tỷ USD. Có thể thấy rằng, Amazon đã tăng trưởng gấp 4 lần Sears trong 6 năm. Đáng chú ý hơn, theo một số báo cáo, một nửa trong số tất cả các hộ gia đình ở Mỹ hiện là thành viên của Amazon Prime (gói dịch vụ khách hàng thành viên cao cấp của Amazon).
Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ vì Amazon, nhìn nhận một cách đầy đủ thì phương thức mua sắm trực tuyến đã làm tốt trong một thời gian dài thông qua các phương tiện truyền thông và các loại hình giải trí trực tuyến. Bên cạnh đó, các chính sách hoàn trả dễ dàng đã khiến cho người tiêu dùng may mặc trực tuyến có thể mua sắm đồ rẻ, dễ dàng và không có rủi ro. Sự thành công của những doanh nghiệp mới thành lập như Casper, Bonobos và Warby Parker (giường, quần áo và kính) đã buộc các nhà bán lẻ cũ phải bổ sung các giao dịch và tiện lợi trực tuyến tương tự.
Hơn thế nữa, mua sắm trên thiết bị di động đang ngày càng dễ dàng hơn nhờ các ứng dụng và ví điện tử. Kể từ năm 2010, giao dịch thương mại thông qua điện thoại di động đã tăng từ 2% lên 20%. Sự gia tăng của thương mại điện tử không chỉ đẩy doanh số bán hàng trực tuyến mà còn tạo ra những thói quen mua sắm mới, khiến họ sẽ ngồi nhà mua sắm trực tuyến thay vì tốn nhiều thời gian hơn để đến các cửa hàng truyền thống.
Mỹ xây dựng quá nhiều trung tâm mua sắm
Hiện Mỹ có khoảng 1.200 trung tâm mua sắm. Trong vòng một thập niên qua, khoảng 900 trung tâm mua sắm đã mọc lên. Tình trạng hiện nay không phải là “cái chết của các trung tâm mua sắm”, tuy nhiên đây là sự suy giảm không thể tránh khỏi.
Theo Cowen Research, tỷ lệ mua sắm trên đầu người của Mỹ nhiều hơn 40% so với Canada, gấp 5 lần Anh và gấp 10 lần Đức. Báo cáo của công ty nghiên cứu bất động sản Cushman và Wakefield cho biết: “Xu hướng gia tăng của các trung tâm thương mại đã giảm 50% từ năm 2010-2013 và tiếp tục giảm mỗi năm sau đó”.
Sự chuyển đổi tiêu dùng từ chủ nghĩa duy vật sang chủ nghĩa duy tâm
Ngay cả khi thương mại điện tử gia tăng và không gian mua sắm quá tải đã buộc phải đóng cửa hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, nhưng tại sao cuộc khủng hoảng này lại xảy ra trong khi tiền lương cho người Mỹ có thu nhập thấp đang tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ những năm 1990?
Thứ nhất, mặc dù mức lương của người lao động tăng cao và nền kinh tế nói chung vẫn phát triển, nhưng các doanh nghiệp hiện nay thu về tỷ suất lợi nhuận khá thấp từ các cửa hàng bán lẻ. Trong khi đó, nhân viên thu ngân và nhân viên bán lẻ là hai loại việc làm phổ biến nhất ở nước Mỹ. Với khoảng hơn 8 triệu người làm những công việc này, thu nhập trung bình cho cả hai ngành nghề này ít hơn 25.000 USD/năm. Nhưng gần đây, luật về mức lương tối thiểu mới và thị trường lao động thắt chặt đã đẩy lương cho những người lao động nghèo nhất, ép các nhà bán lẻ phải tăng lương cho nhân viên và lợi nhuận thu về vì thế bị ảnh hưởng.
Thứ hai, tầm quan trọng của các cửa hàng quần áo đã suy giảm vì người tiêu dùng giờ đây thay vì mua sắm quần áo, họ thích đi du lịch và ăn uống ngon hơn. Trước thời kỳ suy thoái kinh tế, người ta mua rất nhiều thứ như nhà cửa, đồ đạc, xe hơi và quần áo, khiến doanh thu bán lẻ tăng mạnh trong những năm 1990. Nhưng thời thế đã thay đổi, giới trẻ hiện nay tôn sùng nhiều yếu tố phi vật chất như du lịch, trải nghiệm hơn.