Tại phiên giao dịch sáng nay (19/6 theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin (mã BTC) điều chỉnh về mức 26.400 USD, giảm 0,15% so với 24 giờ trước.
Đồng tiền điện tử vốn hóa lớn thứ hai Ethereum (mã ETH) cũng giảm nhẹ 0,03% xuống 1.724 USD.
Theo dữ liệu của CoinMarketCap, vốn hóa thị trường tiền điện tử toàn cầu là 1,06 nghìn tỷ USD. Tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử trên thị trường trong 24 giờ qua giảm mạnh 20,45 tỷ USD.
Giá Bitcoin giảm làm gián đoạn đà tăng giá của hầu hết Altcoin vốn hóa lớn. Trong 24 giờ qua, giá Binance (mã BNB) giảm 0,3% còn 243 USD, Cardano (mã ADA) giảm 2% còn 0,26 USD, Polygon (mã MATIC) giảm 1,16% còn 0,6 USD, Solana (mã SOL) giảm 0,5% còn 15,5 USD.
Tuần trước, BlackRock nộp hồ sơ thành lập quỹ Bitcoin ETF mang tên iShares Bitcoin Trust lên Ủy ban Sàn giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Sau chưa đầy 24 giờ kể từ khi thông tin rò rỉ, giá Bitcoin đã tăng mạnh 1.000 USD và tạo đỉnh ở 26.700 USD.
Dù đã tạo ra cú hích thực sự cho thị trường tiền điện tử, sự kiện BlackRock cũng gây nên luồng phản ứng trái chiều trong bối cảnh chính phủ Mỹ ngày càng thắt chặt quy định quản lý tài sản áo. Khởi đầu bằng vụ kiện của SEC chống lại hai sàn giao dịch tiền điện tử tập trung là Binance và Coinbase.
Trong tuyên bố hôm 17/6, nhà sáng lập Cardano Charles Hoskinson lên tiếng đả kích những người ủng hộ BlackRock chỉ vì lòng tham của họ. Ông Hoskinson cũng mỉa mai về việc Giám đốc điều hành BlackRock Larry Fink từng so sánh Bitcoin là công cụ rửa tiền vào năm 2017, nhưng giờ đây BlackRock lại muốn quay lại thị trường này.
Will Clemente, đồng sáng lập Reflexivity Research, cũng cho rằng việc BlackRock thành lập quỹ Bitcoin ETF nằm trong kế hoạch lớn hơn để thâm nhập thị trường tiền điện tử của phố Wall. “Nếu đề xuất của BlackRock được SEC chấp thuận, không thể phủ nhận Chiến dịch Chokepoint 2.0 đang được tiến hành để loại bỏ các công ty tiền điện tử bản địa và thu hút công ty tài chính truyền thống vốn có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Mỹ. Tất cả nhằm kiểm soát Bitcoin nói riêng và ngành công nghiệp tiền điện tử nói chung”, ông Clemente nhận xét.
“Chiến dịch Choke Point 2.0” ám chỉ nỗ lực của chính phủ Mỹ, cùng các tổ chức và công ty thanh toán, để kiểm soát việc sử dụng tiền điện tử tại quốc gia này.
BlackRock là công ty quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại New York. Quy mô tài sản thuộc quản lý của BlackRock ước tính khoảng 8,5 nghìn tỷ USD. CoinDesk nhận định, đề xuất của BlackRock có khả năng được SEC chấp thuận hơn nỗ lực thành lập quỹ đầu tư Bitcoin của GrayScale, VanEck và WisdomTree nhờ cam kết trong việc giảm nguy cơ thao túng thị trường.
Cụ thể, BlackRock đồng ý ký kết thỏa thuận chia sẻ giám sát với Nasdaq, cho phép sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới truy cập dữ liệu liên quan đến hoạt động giao dịch, thanh toán bù trừ và nhận dạng khách hàng của iShare Bitcoin Trust.
Ngoài Nasdaq, Coinbase cũng đóng vai trò là đại diện bên thứ ba chịu trách nhiệm giám sát quỹ Bitcoin ETF của BlackRock.
Dẫu vậy, một số chuyên gia khác cho rằng động thái gần đây của SEC để dọn đường cho sự xuất hiện của đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC). Sự xuất hiện của Bitcoin ETF sẽ là rào cản cho sự phát triển của CBDC. Cho đến khi được SEC chính thức thông qua, thông tin liên quan đến BlackRock chỉ nên coi là liều thuốc thử để đo lòng tin của thị trường.
Trong diễn biến khác, Binance tiếp tục vướng phải rắc rối pháp lý tại Châu Âu. Tại Pháp, sàn giao dịch lớn nhất thế giời đang bị cơ quan chức năng điều tra với cáo buộc rửa tiền và cung cấp tài sản kỹ thuật số bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Binance sẽ phải đóng cửa tại Hà Lan vào 17/7 do không thể đăng ký giấy phép cung cấp tài sản ảo (VASP) với chính phủ nước này.