Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa ký công văn số 8457/BGTVT gửi UBND TP. HCM và UBND 4 tỉnh Đông Nam Bộ: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An về việc triển khai Dự án đường vành đai 4 TP. HCM.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đường vành đai 4 TP. HCM, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các nội dung yêu cầu tại văn bản số 5393/VPCPCN ngày 6/8/2021 của Văn phòng Chính phủ; đồng thời chủ động, khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP. HCM đảm bảo khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thủ tục triển khai ngay.
Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị các địa phương khẩn trương nghiên cứu sắp xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định; xác định tim tuyến đường vành đai 4 và các nút giao kết nối theo quy hoạch, giải pháp khai thác quỹ đất; rà soát, xác định quy mô đường vành đai 4 (giai đoạn phân kỳ đầu tư), đường gom (đường song hành), các chi tiết kỹ thuật có liên quan để phát huy hiệu quả đường vành đai 4.
Các địa phương cũng được đề nghị tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch và triển khai các dự án công nghiệp, thương mại, đô thị, dân cư hai bên đường để khai thác có hiệu quả đường vành đai 4 và tạo nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước; chủ động hình thành bộ máy điều hành, quản lý dự án.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa các cơ quan của địa phương trong quá trình triển khai.
Đường vành đai 4 TP. HCM nằm trong danh mục dự án quan trọng quốc gia và ưu tiên đầu tư, hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2030 theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý nghiên cứu đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP. HCM theo phương thức PPP trong giai đoạn 2021 - 2025; khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để tạo nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước.
Trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng giao cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần của đường vành đai 4 TP. HCM theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đề xuất là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.
UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.
UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.
UBND TP. HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.
UBND tỉnh Long An triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận Tp.HCM, chiều dài khoảng 71 km.
Theo quy hoạch, Dự án vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.