Loạt thương hiệu lớn Puma, Pandora và Hugo Boss “ướm lời” tăng giá do thuế Mỹ

Pandora, Puma, Hugo Boss và nhiều thương hiệu tiêu dùng hàng đầu khác đang cân nhắc về kế hoạch tăng giá hoặc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng nếu chính phủ Mỹ kiên quyết áp thuế đối ứng…

Loạt thương hiệu lớn Puma, Pandora và Hugo Boss “ướm lời” tăng giá do thuế Mỹ

Trong tuần này, hàng loạt thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng như Pandora, Puma và Hugo Boss đều cho biết họ đang đánh giá lại chiến lược kinh doanh tại Mỹ và nhiều thị trường khác, trong trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định thực hiện các kế hoạch áp thuế nhập khẩu khắt khe nhất từ trước đến nay.

Một số công ty khác cũng đang phải tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng và có thể phải điều chỉnh lại dự báo doanh thu trong bối cảnh tình hình thương mại vẫn còn nhiều biến động khó lường.

Vào đầu tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng toàn diện với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Sau đó, mức thuế được tạm hoãn trong 90 ngày với hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc, trong lúc chờ đàm phán song phương.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp toàn cầu vẫn đang khẩn trương tính toán tác động tiềm tàng từ chính sách thuế mới đối với hoạt động kinh doanh của họ. Hầu hết các tên tuổi lớn như Mattel, UPS và Ford đều đã rút lại dự báo tài chính cho cả năm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp như Pandora, Puma và Hugo Boss đã chủ động chuẩn bị các kế hoạch ứng phó để có thể kịp thời thích nghi trong môi trường kinh tế đầy thách thức.

PANDORA

Thương hiệu trang sức Pandora của Đan Mạch, nổi tiếng với các mẫu vòng charm và trang sức bạc, đưa ra cảnh báo rằng ngành trang sức bình dân có thể chứng kiến mức tăng giá đáng kể nếu Mỹ triển khai áp thuế đối ứng.

Khoảng một phần ba doanh thu của Pandora đến từ thị trường Mỹ, trong khi công ty lại phụ thuộc nhiều vào sản xuất tại châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, Pandora đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về nguy cơ lợi nhuận sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Phần lớn các thương hiệu trang sức ở phân khúc giá như chúng tôi đều nhập khẩu từ châu Á. Nếu thuế được giữ nguyên, thì mọi đơn vị trong ngành đều sẽ chịu tác động khổng lồ về chi phí. Và cũng vì vậy mà người tiêu dùng có thể sẽ sớm nhận thấy các mặt hàng trở nên đắt đỏ hơn”, Giám đốc điều hành Alexander Lacik nói với CNBC.

108142820-1746708776213-gettyimages-2195660863-afp-36wb2le.jpg

Khi được hỏi mức tăng cụ thể là bao nhiêu, ông Lacik cho biết Pandora đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau, nhưng mức điều chỉnh cuối cùng sẽ còn phụ thuộc vào mặt bằng giá chung của ngành.

PUMA

Thương hiệu thời trang thể thao Puma của Đức cũng dự báo khả năng giá sản phẩm trong toàn ngành có thể sẽ tăng cao hơn do thuế nhập khẩu, đồng thời cho biết công ty đang xem xét các biện pháp kiểm soát chi phí tại thị trường Mỹ.

“Chúng tôi có thể sẽ phải điều chỉnh giá bán lẻ và chuẩn bị các phương án nhằm giảm thiểu tối đa tác động từ thuế quan”, Giám đốc tài chính Markus Neubrand phát biểu hôm 8/5.

Puma, vốn cũng phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất tại châu Á, cho biết họ đã giảm dần khối lượng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ sau loạt cảnh báo hồi tháng 3 về thuế quan.

Trước mắt, Puma không muốn là bên đầu tiên điều chỉnh giá tại thị trường Mỹ. “Có những công ty mà thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong tổng doanh thu toàn cầu. Là thương hiệu thời trang thể thao lớn thứ ba thế giới, chúng tôi không nên là bên mở đầu làn sóng tăng giá”, CFO Neubrand nhấn mạnh. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đối thủ Adidas tuần trước thông báo rằng thuế quan mới sẽ khiến toàn bộ sản phẩm tại Mỹ của lên giá.

HUGO BOSS

Hugo Boss, thương hiệu thời trang cao cấp của Đức, cũng đang cân nhắc điều chỉnh giá bán lẻ như một phần trong loạt giải pháp nhằm đối phó với chi phí gia tăng do thuế.

Doanh nghiệp tiết lộ họ đang lên kế hoạch chuyển nguồn cung từ các quốc gia khác sang thị trường Mỹ, đồng thời thu hẹp sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vừa để hạn chế ảnh hưởng của thuế và vừa tối ưu hóa mạng lưới cung ứng toàn cầu.

Hugo Boss nhận định, các yếu tố như bất ổn về thuế, nguy cơ suy thoái và chính sách nhập cư đang tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ và khách du lịch, hai nhóm khách hàng chủ lực tại thị trường lớn nhất của công ty.

Giám đốc điều hành Daniel Grieder thừa nhận sức mua tại Mỹ đã suy giảm rõ rệt, song vẫn còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động. “Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình. Bởi hiện tại chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng”, ông Grieder nói rõ.

Xem thêm

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Có thể bạn quan tâm

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...