Chứng khoán Vietcap vừa phát hành báo cáo về Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR), theo đó, dự kiến quỹ đất cao su của doanh nghiệp này có sự chuyển đổi lớn.
Cụ thể, PHR có thể chuyển đổi tổng cộng 10.900ha đất cao su thành đất sử dụng cho mục đích khác trong tổng quỹ đất khoảng 15.000ha. Trong đó, chuyển 4.700ha sang khu công nghiệp; 1.000ha chuyển đổi sang cụm công nghiệp; 1.300ha chuyển đổi sang khu dân cư, 1.500ha chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao; 1.200ha cho phát triển cơ sở hạ tầng và 950ha cho các mục đích khác.
Bên cạnh đó, đóng góp từ mảng khu công nghiệp vẫn ở mức thấp trong năm 2024 nhưng có thể cải thiện trong năm 2025. Hiện tại, khu công nghiệp và cụm công nghiệp Tân Bình của Cao su Phước Hoà đã được lấp đầy trong khi các dự án khu công nghiệp và cụm công nghiệp sắp tới của PHR vẫn đang tiến hành các thủ tục pháp lý.
Đối với các dự án đáng chú ý sắp tới, khu công nghiệp Tân Lập 1, có tổng diện tích 200ha đang tiến hành phê duyệt quy hoạch 1/2000 và PHR đặt mục tiêu đưa dự án này đi vào hoạt động trong năm 2025. Trong khi đó, PHR vẫn chưa triển khai kế hoạch góp 20% vốn vào khu công nghiệp VSIP III, với tổng diện tích 1.000ha.
Vietcap cho biết, ban lãnh đạo Cao su Phước Hoà kỳ vọng giá cao su sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2024, duy trì mức giá hiện tại cao hơn so với năm 2023.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông, PHR đặt mục tiêu sản lượng cao su tiêu thụ năm 2024 là 33.100 tấn, tăng 8% so với năm trước và giá bán trung bình cao su năm 2024 là 36,41 triệu đồng /tấn tăng 6% so với năm 2023, cho thấy kỳ vọng tích cực hơn trong năm 2024 đối với mảng kinh doanh này của ban lãnh đạo.
Trong dài hạn, PHR sẽ chuyển đổi phần lớn quỹ đất sang mục đích khác, nhưng đặt mục tiêu duy trì sản lượng cao su tiêu thụ ổn định khoảng 30.000 tấn/năm, thông qua việc tăng cường thu mua mủ cao su để bù đắp cho mức giảm trong sản lượng mủ cao su tự sản xuất.
Về tình hình kinh doanh của PHR, năm 2023, Cao su Phước Hoà ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.619,3 tỷ đồng, hoàn thành 89,1% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 461,6 tỷ đồng, hoàn thành 92,1% so với kế hoạch lãi 501 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong quý 1/2024, giá bán cao su bình quân của PHR đạt 38,57 triệu đồng/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng doanh thu công ty mẹ chỉ đạt 270 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 12,27 tỷ đồng, giảm mạnh tới 94% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 9,81 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ.
Sang quý 2/2024, PHR đặt mục tiêu sản lượng cao su khai thác đạt 1.660 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 13,4% kế hoạch năm), sản lượng cao su thu mua đạt 1.600 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 16% kế hoạch năm), sản lượng cao su chế biến 3.260 tấn mủ quy khô (tỷ lệ 14,55% kế hoạch năm). Về giá bán, công ty đặt mục tiêu giá bán bình quân trung bình đạt 40 triệu đồng/tấn, cao hơn mức giá trung bình của quý 1/2024.