Theo ông Nguyễn Duy Thuận - TGĐ Tập đoàn Lộc Trời, trước khi làm việc với SAP, Lộc Trời đã có gần 70 app riêng lẻ.
Ông có thể chia sẻ vị thế của Lộc Trời trong chuỗi cung ứng lúa gạo của Việt Nam? Từ góc nhìn của Lộc Trời, đâu là các vấn đề lớn nhất của chuỗi cung ứng trước khi có Covid, và khi Covid diễn ra, thưa ông?
Xét về sản lượng lúa gạo, chúng ta chỉ đứng thứ 4 trên thế giới, còn về xuất khẩu, chúng ta hiện đứng thứ 3. Tuy nhiên, Việt Nam được đánh giá là nước có năng lực lúa gạo đáng tin cậy nhất trên thế giới. Lý do là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất ra 90% lượng lúa để xuất khẩu, và 90% này không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Hiện cả nước sản xuất hơn 20 triệu tấn gạo mỗi năm, và tiêu thụ khoảng 6 triệu tấn. Vậy nên chúng ta làm 1 năm, ăn 3 năm cũng chưa hết.
Nếu nhìn vào tổng quan thị trường của gạo trắng (gạo trung cấp), sẽ có sự khác biệt rất lớn. Chỉ cách đây 10 năm thôi, Việt Nam không có gạo chất lượng cao để xuất khẩu. Nhưng từ 10 năm trở lại đây, chúng ta là số 1 trong thị trường này. Đối với gạo trắng, chúng ta đã vượt qua nước láng giềng là Thái Lan.
Nói đến giá thành, tại thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam chưa phải là thấp nhất thế giới, tuy nhiên Việt Nam là một trong những nước có giá gạo cạnh tranh. Nếu nhìn vào lượng vật tư để sản xuất ra lúa gạo, Việt Nam là một trong những nước cạnh tranh nhất thế giới. Lý do mà giá thành gạo Việt Nam chưa ở mức cao nhất thế giới là do chúng ta sản xuất manh mún. Ở ĐBSCL, trung bình là 1-3ha/hộ.
Tóm lại, Việt Nam sẽ luôn luôn an toàn về an ninh lương thực khi 1 vụ sản xuất sẽ đủ cung cấp nội địa cả năm, và cứ 3 tháng lại có lúa mới thu hoạch. Các thương lái quốc tế ưu tiên Việt Nam nhất trong việc thu mua lúa gạo – do vậy họ sẽ không ép quá mức để mất đi thị trường Việt Nam. Do vậy, nói về nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng thì Việt Nam có rất nhiều lợi thế.
Về vấn đề cung ứng liên quan đến đại dịch, COVID-19 hầu như không ảnh hưởng gì tới sản xuất lương thực trên đồng ruộng vì hạt lúa vẫn sinh trưởng đều. Tác động của dịch bệnh nằm ở khâu thu hoạch và sau đó: các đợt giãn cách nghiêm ngặt gây ra tình trạng khó tổ chức gặt, vận chuyển, xay xát, từ đó dẫn tới hao hụt cao hơn. Lượng lúa hao hụt ở ĐBSCL có thể nuôi được cả một quốc gia khác. Đây là điều mà chúng ta cần phải lưu ý nếu muốn tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Lộc Trời đóng góp tới 50% lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam, một đóng góp vô cùng quan trọng vào vị thế lúa gạo. Ông có thể chia sẻ đôi chút về chiến lược/định hướng của Lộc Trời để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất lúa gạo? Ngoài ra, Lộc Trời có kế hoạch hỗ trợ những vùng chưa hiệu quả như miền Bắc - những vùng mà Lộc Trời chưa có độ bao phủ cao?
Hiện Lộc Trời tập trung vào cây lúa, và địa bàn hoạt động mạnh nhất là ở ĐBSCL, nơi chiếm tới 70% lượng nhân sự và hoạt động chính của Lộc Trời. Bên cạnh cây lúa, chúng tôi đã bắt đầu triển khai sản xuất thức ăn gia súc (trâu bò). Hiện nay đàn trâu, bò Việt Nam có khoảng 8 triệu con, mỗi ngày mỗi con cần khoảng từ 25 - 40 kg thức ăn. Mục tiêu của chúng tôi là tham gia thị trường cung cấp thức ăn gia súc, và so với giá nhập khẩu là 7000 đồng/kg, Lộc Trời đặt mục tiêu giảm chi phí thức ăn gia súc xuống một nửa (dưới 3000/kg). Bạn thử hình dung 40kg x 8 triệu con x 365 ngày sẽ ra một lượng thức ăn gia súc rất lớn. Nếu chúng ta nhân con số này với 3.000 đồng tiết kiệm được trên 1 ký thức ăn gia súc, điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn – giúp người nông dân tiết kiệm đến 20 triệu chi phí thức ăn gia súc trên 1 con bò trưởng thành/năm.
Lộc Trời đã triển khai được 1 năm nay, theo nguyên tắc mỗi ngày, Lộc Trời sẽ xuống giống theo đúng lượng trại bò đó cần sử dụng. Nếu trang trại cần 450 tấn thức ăn gia súc mỗi ngày, Lộc Trời sẽ xuống giống 10 ha mỗi ngày, và luân phiên như vậy để hình thành nguồn thức ăn tươi hoặc ủ chua. Đất dành cho thức ăn gia súc không cần quá màu mỡ như đất lúa mà có thể cằn cỗi hơn. Cây bắp cũng chịu hạn giỏi hơn, do vậy hướng đi này cũng phù hợp với những vùng đất không thích hợp để trồng lúa. Ngoài ra Lộc Trời cũng tham gia vào lĩnh vực cây ăn trái và hoa màu, tuy nhiên phạm vi sẽ không lớn như bắp và lúa.
Phát triển bền vững là hướng đi mà Lộc Trời theo đuổi trong nhiều năm nay. Ông cũng đã từng chia sẻ những con số hết sức ấn tượng như Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên đạt chỉ tiêu SRP 100 2 năm liên tiếp, cũng như ứng dụng công nghệ để giảm việc sử dụng từ 300 lít nước xuống còn 17 lít nước trên mỗi ha lúa. Vậy ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi Lộc Trời quyết tâm theo đuổi tiêu chí phát triển bền vững?
Tôn chỉ phát triển của Lộc Trời là cân bằng giữa 3 yếu tố: cổ đông, nhân viên và nông dân. Đối với cổ đông và nhân viên, sự phát triển ổn định là mong muốn của những người tham gia vào Lộc Trời. Còn đối với nông dân, họ chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường vì chưa có tổ chức nào tác động được đến ý thức của người dân về vấn đề này. Do đó, cách tiếp cận của Lộc Trời là đưa ra những lợi ích kinh tế, ví dụ khi sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường, người nông dân có thể bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống. Chúng tôi để người dân lựa chọn vì rõ ràng chúng ta không thể bắt ép họ được. Ở đỉnh cao của sản xuất lúa gạo bền vững là áp dụng SRP 100, và khi áp dụng phương pháp này, lượng nước dùng trong sản xuất sẽ giảm tối thiểu 40%.
Ngoài ra, canh tác lúa tạo ra lượng khí methane và Co2 cao nhất trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có 2 quy trình có thể giúp giảm lượng phát thải trong quá trình sản xuất lúa: SRP 100 và low carbon rice (canh tác lúa carbon thấp), và Lộc Trời đều đang áp dụng cả 2 quy trình này. Về phía người nông dân, ứng dụng SRP không tăng chi phí nhưng sẽ tốn công sức hơn. Bà con nông dân đã thực hiện SRP 6 mùa vụ vừa qua, và nay đã áp dụng các tiêu chuẩn SRP 100 rất dễ dàng. Chúng tôi nhận thấy sự đồng thuận từ người nông dân khi họ có thể bán lúa với giá cao hơn, đồng thời chúng tôi cũng rất may mắn khi tìm được người mua ở mức giá này. Đây là cách phát triển bền vững vì chúng ta không thể nào tài trợ cho người nông dân mãi được nếu không tìm ra đầu ra phù hợp.
Hiện chúng tôi đã tìm được người mua từ Mỹ và Châu Âu, còn ở Việt Nam thì rất tiếc chưa có nhu cầu này – người tiêu dùng Việt Nam chưa chấp nhận trả tiền cao hơn cho lúa gạo an toàn với môi trường.
Mô hình kinh doanh của Lộc Trời rất đa dạng và có tính mạng lưới. Vậy công nghệ đóng vai như thế nào đối với vấn đề này? Ông có thể chia sẻ đôi chút về áp dụng quản lý nguồn lực tổng thể mà SAP đã có cơ hội hợp tác cùng Lộc Trời, để phục vụ cho những mục tiêu chiến lược của mình?
Bản chất của ngành nông nghiệp là trải rộng, với tầm hoạt động rất lớn và nhân lực rất mỏng, mặc dù Lộc Trời có 3.600 nhân viên, trong đó có 1.200 kỹ sư nông nghiệp “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân ngay trên đồng rộng. Tuy nhiên đây vẫn là lực lượng rất mỏng so với 1 triệu ha canh tác lúa và 300.000 ha cây ăn trái mà Lộc Trời đang tham gia canh tác cùng với bà con nông dân. Nếu chỉ dựa vào sức người hoặc hệ thống tin học cơ bản thì không quản lý được.
Năm 2019, Lộc Trời quyết định phải ứng dụng công nghệ vào quản lý, và chúng tôi chọn SAP để làm nền tảng trong điều hành, hoạt động trong tất cả các khâu từ trồng trọt, bảo quản, chế biến, lưu thông. Khi xuất khẩu lúa sang Châu Âu, mình không thể đợi phòng xét nghiệm Châu Âu lấy mẫu và trả lời lúa có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không, nếu đạt thì cho qua, nếu không đạt thì trả về. Như vậy sẽ là quá rủi ro đối với Lộc Trời, do vậy chúng tôi bắt buộc phải xây dựng quy trình.
Tuy nhiên, người thì ở Sài Gòn, lúa thì ở An Giang, hạt giống thì ở Bình Định. Vậy làm cách nào để đảm bảo với người mua Châu Âu là gạo được trồng ngày nào, giống lúa là genre nào, có đúng với genre mà mình đăng ký với Châu Âu hay không, ngày cắt lúa là ngày nào, sấy lúa ra sao, ai là người quản lý? Tất cả những hoạt động này cần phải được ghi nhận trong nhật ký điện tử thì họ mới chấp nhận. Nhật ký này bắt buộc phải làm trên phần mềm quản lý, đó là quy trình quản trị.
Trong quá trình trồng, ví dụ đến ngày thứ 3 sau khi sạ lúa xuất hiện tình trạng ốc ăn lúa, vậy thì làm thế nào để chúng ta nhận biết và xử lý được? Lộc Trời đã áp dụng Ứng dụng (App) Bệnh viện cây lúa và Bệnh viện cây ăn trái để liên lạc với bà con nông dân kịp thời. Bà con nông dân chụp hình và gửi qua app, và chỉ trong tối đa 15 phút, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Lộc Trời sẽ trả lời đây là bệnh gì, sâu gì, bệnh như thế nào. Ví dụ gần đây ở Bến Tre xuất hiện 1 loại sâu lạ (sâu đầu đen) hại cây dừa trên diện rộng. Chúng tôi mất cả tháng mới xác định được loài này, tìm được đúng thuốc và dùng 14 máy bay không người lái để triệt để xử lý loại sâu lạ này, rất cực khổ.
Nếu không ứng dụng công nghệ số và hệ thống quản lý tổng thể trong sản xuất nông nghiệp, thì không thể nào cam kết chất lượng nông sản với người tiêu dùng, hay cam kết hình ảnh chất lượng của Việt Nam tới quốc tế.
Theo ông, chúng ta cần mất bao nhiêu thời gian để ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa gạo tại Việt Nam?
Công nghệ 4.0 đã được áp dụng trên cây lúa ở Việt Nam, tuy nhiên áp dụng trên diện rộng lại là một vấn đề khác. Cách đây 3 năm, chúng tôi có tham gia chương trình SATForRice (Vệ tinh cho cây lúa) của chính phủ Hà Lan. Họ chụp hình toàn bộ đồng lúa bằng vệ tinh, sau đó gửi hình về cho Lộc Trời để chúng tôi ghi mã số đồng lúa đó (huyện nào, xã nào). Họ sẽ dùng AI để tiến hành phân tích bằng quang phổ, so sánh các màu với nhau, và khi kết hợp giữa các hình sẵn có, các yếu tố thời tiết (El Nino, La Nina), và tương tác về thổ nhưỡng, chúng ta sẽ biết trước được sản lượng cũng như nguy cơ dịch bệnh của năm sau.
Chúng tôi đang tiến hành với mục tiêu chụp 30.000 tấm hình về sâu bệnh trên đồng lúa. Chúng tôi đang hợp tác với Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp) và Viettel để xây dựng AI này. Giá trị của AI này là hình ảnh và màu sắc chính xác hơn (vì drone bay gần hơn so với vệ tinh). Các bạn có thể hình dung một máy drone bay từ biên giới Campuchia về tới Long An để chụp ảnh chỉ mất 2 tiếng. Căn cứ vào màu sắc của ruộng lúa, chúng ta có thể biết được dịch bệnh đang xuất hiện tại đâu. Nếu như phát hiện một ổ dịch trong phạm vi 10 ha, chúng ta có thể xử lý toàn bộ 10 ha đó và bán kính 1000 m2 xung quanh, vậy toàn bộ khu vực theo chiều gió (khoảng 2000 ha) sẽ không bị dịch bệnh. Do vậy, đối với câu hỏi ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa gạo, thì công nghệ 4.0 đã được ứng dụng trong công tác phòng chống sâu bệnh rồi.
Thứ hai là áp dụng 4.0 về mặt dự báo thời tiết để chọn giống lúa và các loại cây ngắn ngày phù hợp. Nếu chúng ta biết năm nay là La Nina (mưa nhiều), thì chúng ta có thể trồng loại lúa cứng cây, nếu mưa ít thì chúng ta trồng loại lúa cần nhiều quang kỳ như Jasmine, ST25, Lộc Trời 28. Hoặc nếu El Nino dẫn tới ngập mặn, chúng ta có thể trồng các loại lúa chịu mặn nhẹ như ST24, ST25, Lộc Trời 28, sẽ cho ra hạt gạo đậm đà hơn.
Thứ 3 là ứng dụng 4.0 để phân tích thổ nhưỡng. Mỗi loại đất sẽ có các tính chất và vi chất khác nhau. Ví dụ gạo Nàng thơm chợ Đào chỉ thơm khi trồng ở chợ Đào, vì ở đó có một loại vi sinh vật đặc biệt giúp tạo ra mùi thơm đặc biệt, hoặc gạo Séng Cù ở Tây Bắc sẽ không ngon nếu ra khỏi thung lũng. Như vậy, căn cứ vào thổ nhưỡng, chúng ta sẽ trồng được những giống lúa phù hợp và có chất lượng cao nhất.
Công nghệ 4.0 có nhiều tiềm năng ứng dụng, nhưng nếu chỉ ứng dụng trên diện nhỏ, ví dụ để 1 phao ở cửa biển, khi nước mặn giảm thì bơm vào, khi nước mặn lên thì ngưng chỉ có thể áp dụng trên phạm vi nhỏ (một vài hộ gia đình). Nếu chúng ta muốn áp dụng trên phạm vi lớn, hàng triệu ha, thì nông dân phải đồng thuận trên diện lớn. Muốn như vậy, chúng ta cần có sự liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau để phát huy các ứng dụng 4.0. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có đủ đất lớn để phát huy hết các tính năng công nghệ 4.0.
Hành trình chuyển đổi số của tập đoàn Lộc Trời sử dụng giải pháp công nghệ từ các nước nào? Có giải pháp của Việt Nam hay không, thưa ông?
Có rất nhiều dạng chuyển đổi số, số hóa. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi là nếu số hóa theo nhu cầu phát sinh, thì chúng ta sẽ mặc chiếc áo với hàng ngàn mũi vá. Trước khi làm việc với SAP, Lộc Trời đã có gần 70 app riêng lẻ. Bản thân Lộc Trời là doanh nghiệp trồng lúa chứ không phải doanh nghiệp CNTT, nên việc xử lý các hệ thống này nằm ngoài khả năng của chúng tôi.
Chúng tôi biết SAP là một hệ thống đã được thực hiện trên toàn cầu. Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp như Lộc Trời, với những thách thức và điều kiện hoạt động giống nhau. Do vậy, chúng tôi đã rà soát mọi mô hình và quyết định áp dụng nghiêm ngặt toàn bộ quy trình của SAP - không thay đổi, không địa phương hóa, không tự sáng tạo ra mô đun mới, vì chúng tôi biết rằng nếu làm vậy, hiệu quả sẽ kém đi và chúng tôi sẽ không nhận ra được hệ thống của mình nữa. Hiện nay, về mặt quản lý công việc, Lộc Trời đang áp dụng 100% giải pháp SAP.
Xin cảm ơn ông!