CEO TLC Nguyễn Anh Linh: "Để khởi nghiệp thuận lợi, cái giá phải trả là liên tục đối mặt với rất nhiều thách thức!”

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Anh Linh – CEO công ty TMQT Thủy Linh (TLC) khi chia sẻ với Thương gia về nghề và chặng đường 20 năm xây dựng doanh nghiệp TLC.
CEO TLC Nguyễn Anh Linh: "Để khởi nghiệp thuận lợi, cái giá phải trả là liên tục đối mặt với rất nhiều thách thức!”

CEO TLC Nguyễn Anh Linh

TLC là nhà phân phối danh tiếng tại thị trường miền Bắc mảng thiết bị, linh kiện và giải pháp phần cứng của các thương hiệu IT thuộc hàng Top toàn cầu. Gia nhập làng ICT Việt Nam từ những chặng đường đầu tiên, ông Nguyễn Anh Linh hiện được biết đến không chỉ trên cương vị là CEO của TLC mà còn là Chủ tịch CLB Doanh Nhân 9295, Ủy viên BCH Trung Ương Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Ông Linh cho biết, nếu coi khởi nghiệp là việc bắt đầu dựng lên một doanh nghiệp thì việc khởi tạo doanh nghiệp của ông bắt đầu từ khoảng 25 năm trước, khi xây dựng trung tâm Tin học đầu tiên. Trung tâm được xây dựng bắt nguồn từ đam mê lắp ráp, sửa chữa thiết bị máy tính và vọc vạch nâng cấp các hệ thống PC của anh em ông.

“Làm công việc yêu thích, xây dựng và phát triển những sở trường cá nhân của 2 anh em, gia nhập thị trường đúng thời điểm, nên những gì anh em tôi ấp ủ và tâm huyết khi đó đã có bước đầu thành công. Kế đó, là một chút may mắn, khi chúng tôi gặp đúng người, bắt đúng nhịp, được tư vấn tốt để có thể đặt nền móng, phát triển doanh nghiệp TLC từng bước, và dù các bước đi không hẳn hoàn toàn như lộ trình vạch ra, nhưng chắc chắn và ổn định suốt 20 năm” – Ông Linh chia sẻ.  

Như ông chia sẻ thì quá trình khởi nghiệp của ông gặp nhiều thuận lợi khi được làm công việc mình yêu thích, lại có được sự tư vấn tốt… Tuy nhiên khó khăn và thách thức là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn khởi nghiệp, thưa ông?

Đúng vậy. Trong quá trình xây dựng một doanh nghiệp, khởi nghiệp luôn là giai đoạn cam go nhất. Những khó khăn lớn nhất với tôi, một thanh niên mới ra trường lúc dựng nghiệp thời điểm ấy là việc cân đối tài chính giữa thu và chi. Cụ thể hơn, thu hồi nợ từ khách hàng thường kéo dài quá kỳ hạn và bị chia nhỏ làm nhiều lần, dẫn đến luồng tiền hạn hẹp. Dù vậy, bằng số vốn ít ỏi ban đầu của một sinh viên mới bước vào kinh doanh, TLC vẫn phải thanh toán đúng và đủ cho các nhà cung cấp để giữ được vị trí và uy tín.

Ngoài ra, tuân thủ qui định pháp luật trong kinh doanh như việc nhập hàng, bán hàng có thuế VAT thời điểm trước những năm 2000 là điều khá vất vả. Thời đó, khách hàng là người dùng cá nhân gần như khó chấp nhận việc phải cộng thêm số tiền thuế vào giá mua, hay với một số cơ quan hành chính sự nghiệp chỉ cần hóa đơn khấu trừ trực tiếp là được thì việc bán hàng ra sao cho vừa có thuế VAT vừa đảm bảo có giá cạnh tranh với các công ty khác – những đơn vị vẫn nhập và bán không có thuế - là một việc hết sức khó khăn.

CEO TLC: "Trong quá trình xây dựng một doanh nghiệp, khởi nghiệp luôn là giai đoạn cam go nhất"

Khó khăn kế đến là vấn đề chiến lược. Trong thị trường IT đặc thù của Việt Nam, sản phẩm danh tiếng dù có cộp dấu uy tín nhưng chưa chắc đã thành công nếu không tìm đúng đất dụng võ và thị trường đích. Để thành công được khi hợp tác với các hãng lớn như Intel, Gigabyte hay Kingmax, thì dù bản thân hãng đã có chiến lược về thương hiệu, nhưng với cương vị là đại lý, để có thể phát triển, TLC phải dày công tìm đủ hệ sinh thái phù hợp với những sản phẩm TLC đang phân phối sao cho tương xứng, hỗ trợ được kênh phân phối của mình theo tiêu chí “Sản phẩm chất lượng toàn cầu, Giá hợp lý, Dịch vụ sau bán hàng đảm bảo”. Tại thời điểm TLC còn trứng nước - khi khách hàng tiêu dùng thậm chí còn chưa biết cách sử dụng máy tính – việc đưa một sản phẩm có tên tuổi trên thế giới ra thị trường, thậm chí là Top đầu thế giới với khoảng cách giá hàng hiệu so với sản phẩm nhãn hiệu phổ thông, chưa nói đến các sản phẩm được gia công từ các nhà xưởng ở Trung Quốc đều rất lớn, nên gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, khi giới thiệu hệ sinh thái thiết bị trong và xoay quanh một chiếc máy tính, giúp cho bộ máy tính hoạt động tốt, ổn định và bền bỉ nhất với mức chi phí kinh tế nhất cho khách hàng đòi hỏi sự kiên nhẫn vô cùng của cả tập thể TLC lúc đó… 

Vậy doanh nghiệp của ông đã vượt qua được điều đó như thế nào để trụ vững và phát triển được như ngày hôm nay, thưa ông?

Dù TLC chấp nhận việc giảm lợi nhuận thì giá vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Gặp phản ứng của khách hàng như chê đắt, nhiều hợp đồng và dự án bị ngưng lại hoặc bỏ qua vì giá kém cạnh tranh, tôi băn khoăn và lâm vào stress khá nặng. Nhưng tôi vẫn quyết đi theo con đường minh bạch tài chính, và rất may là chỉ 4-5 năm sau Nhà nước, Chính phủ khi có những qui định chặt chẽ hơn thì dần dần các bên mua và bán đều yêu cầu hóa đơn VAT đầy đủ. Việc này dẫn theo thị trường được điều hòa về giá cả, khả năng cạnh tranh của TLC được tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, vì giữ vững mục tiêu tài chính minh bạch, nhiều lần TLC được cơ quan thuế mời lên trao chứng nhận, tặng thưởng và đây là những vinh danh làm tôi rất vui và thực sự xúc động.

Ngoài việc kiên trì định hướng cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng cao thì TLC đặt tâm huyết lớn vào dịch vụ sau bán hàng và chăm sóc khách hàng. Bảo hành thời điểm đó đối với khách hàng là cả một hành trình gian nan. Chúng tôi từng đi nghiên cứu thói quen thị trường và nghe thấy rất nhiều khách hàng chua chát nhận xét về các đơn vị bảo hành đúng là “Bảo” và “Hành”. Có cụm từ này bởi thường khách đi bảo hành hay bị từ chối bảo hành, hoặc nếu được chấp nhận thì thời gian chờ đợi sản phẩm rất lâu, đi lại nhiều lần,...

"TLC có thể được coi là nhà phân phối tiên phong tại thị trường IT miền Bắc đã mang lại dịch vụ bảo hành 3 tốt: Đến tận nơi nhận và trả bảo hành cho các đối tác; Hỗ trợ bảo hành cả những sản phẩm không được hãng bảo hành;  Xóa bỏ những bức xúc của khách hàng, cam kết thời gian trả bảo hành hoặc trả bằng tiền mặt nếu không có sản phẩm để trả khách.

Ông có thể chia sẻ thêm về mô hình hoạt động của lĩnh vực này, thưa ông?

Khi TLC mới thành lập, việc kinh doanh của doanh nghiệp xoay quanh mô hình nhập thiết bị, lắp ráp máy tính nguyên chiếc phục vụ khách hàng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Thời điểm đó, lên được kế hoạch để đảm bảo có “đủ” thiết bị chính hãng hay không bị tồn thừa cũng là vấn đề, vì linh kiện thường thiếu thừa bất ổn.

Cũng may, đối tác chiến lược của tôi thời đó (sau này là vợ tôi) khá nhạy bén trong việc điều phối nên trong suốt thời điểm khởi nghiệp khó khăn nhất, các dự án đều được triển khai đúng hạn. Phát triển được mạng lưới đại lý sâu rộng kéo dài từ biên giới phía Bắc tới Huế, TLC những năm sau này chuyển dần thành Đại lý độc quyền và Nhà phân phối của các hãng IT tên tuổi thuộc hạng Top toàn cầu, tiêu biểu như Intel, Gigabyte, Dell, Samsung, HP, Seagate, Microsoft, Nvidia, KingMax, AData, Antec, BenQ, Geil, Kasda,… 

Ông Nguyễn Anh Linh: Để khởi nghiệp thành công cần đi theo các tiêu chí Lợi ích đồng hành cùng uy tín; Hoạt động tuân thủ theo qui định của pháp luật...

Trong 20 năm gây dựng và phát triển TLC, doanh nghiệp ông đã trải qua các cung bậc của sự thăng trầm, khiến cho ông bao lần rơi vào tình trạng bị stress khá nặng như đã chia sẻ ở trên. Sau chặng đường dài đó, chắc ông đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công, thưa ông?

Các ngành nghề khác nhau, sẽ có những đặc thù khác nhau quyết định sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Thời điểm này, khi phong trào khởi nghiệp là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thanh niên trẻ đang diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt trong những lĩnh vực mới lạ, thì sẽ càng khó khái quát hơn về những yếu tố cần để thành công khi lập nghiệp.

Cụ thể hơn, bước chân vào các hiệu sách, chúng ta thấy rất nhiều sách chia sẻ phương pháp, các bước để thành công trong kinh doanh, cùng những minh chứng cụ thể thông qua những danh nhân ưu tú xuất sắc trên thế giới. Tôi cũng như hàng triệu triệu người đã đọc. Dù thấm nhuần những câu chuyện thành công của danh nhân, nhưng tỷ lệ thành công khá ít, bởi biến số thách thức của cuộc sống với mỗi chúng ta sẽ khác nhau. Doanh nghiệp của chúng ta sẽ gặp những khó khăn hoàn toàn khác biệt cả về điều kiện, thời gian địa điểm để đi đến đích thành công. Yếu tố quan trọng nhất là chúng ta đọc, suy ngẫm, tự rút ra các hoạch định cần thiết cho doanh nghiệp mình về lộ trình, phù hợp tài chính, nhân sự để khi thời cơ đến, sẽ ra được quyết định đúng đắn.

Nếu nói riêng về TLC, trong giai đoạn khởi nghiệp TLC đã gặp phải những khó khăn và thách thức như trên, và chúng tôi đã may mắn hơn khi có những lựa chọn đúng để vượt qua những sóng gió trong giai đoạn khởi nghiệp. Chắc chắn rằng không riêng gì TLC mà hầu hết các doanh nghiệp thành công cũng sẽ lựa chọn các tiêu chí như: Lợi ích đồng hành cùng uy tín; Hoạt động tuân thủ theo qui định của pháp luật; và dám cam kết, làm tốt hơn những gì mà các đối thủ cạnh tranh đang làm.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…