Chứng khoán Mỹ khởi sắc, giá dầu thô giảm nhẹ

Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết phiên trong sắc xanh khi các nhà đầu tư “thở phào” sau cú sốc thuế quan…

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 134,13 điểm (+0,30%) lên 44.556,04 điểm, S&P 500 thêm 43,31 điểm (+0,72%) thành 6.037,88 điểm và Nasdaq Composite leo 262,06 điểm (+1,35%) đạt 19.654,02 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P, năng lượng dẫn đầu với mức tăng 2,18%, trong khi lĩnh vực tiện ích và tiêu dùng thiết yếu lại suy giảm.

Nhiều báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tích cực cũng thúc đẩy tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư. Trong số 211 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo lợi nhuận quý 4/2024, 76,8% ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Cổ phiếu Palantir tăng vọt 24% sau khi công ty phân tích dữ liệu dự báo doanh thu quý 1/2025 và cả năm sẽ vượt mức ước tính của Phố Wall.

Alphabet cũng thêm 2,6% trước thềm báo cáo quý, nhưng sau đó sụt giảm hơn 7% sau giờ giao dịch do báo cáo doanh thu thấp hơn kỳ vọng vì tăng trưởng chậm lại trong mảng điện toán đám mây. PepsiCo cũng mất 4,5% sau dự báo lợi nhuận năm và doanh thu quý thấp hơn ước tính. Cổ phiếu Estee Lauder lao dốc 16,1% vì kết quả kinh doanh yếu kém khi nhu cầu suy giảm, thêm vào đó là thông báo cắt giảm nhân sự. PayPal trượt 13,2% do biên lợi nhuận hoạt động thu hẹp trong quý 4/2024.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là13,39 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,53 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada vào cuối tuần trước, nhưng đến ngày 4/2, ông đồng ý trì hoãn thêm 30 ngày để đổi lấy các nhượng bộ về an ninh biên giới từ hai quốc gia này. Các mức thuế 10% đối với Trung Quốc vẫn bắt đầu có hiệu lực vào thứ Ba (4/2). Vẫn chưa rõ khi nào các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ nối lại đàm phán, nhưng bản thân ông Donald Trump lại khẳng định rằng ông không vội vàng.

“Các nhà đầu tư hôm nay đang thở phào nhẹ nhõm, nhưng liệu một tháng nữa họ có thể tiếp tục duy trì tâm lý này hay không vẫn là một dấu hỏi lớn”, ông Sam Stovall, chiến lược gia trưởng tại CFRA Research nhận định.

Ba quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Hai đã cảnh báo rằng thuế quan có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát. Và viễn cảnh không chắc chắn này có thể khiến Fed phải cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến.

GIÁ DẦU THÔ GIẢM NHẸ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu có diễn biến trái chiều vào phiên giao dịch thứ Ba khi thị trường bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khôi phục chiến dịch "áp lực tối đa" đối với Iran nhằm đưa xuất khẩu dầu của nước này về con số 0.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 24 cent, tương đương 0,32%, lên 76,20 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 46 cent, tương đương 0,63%, xuống 72,70 USD/thùng.

Thị trường dầu chịu áp lực từ sớm khi mức thuế 10% của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào 4/2, một diễn biến khiến Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng thuế quan tương ứng. Trong phiên, giá dầu thô Mỹ có lúc giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2024.

Trong khi đó, trước cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Mỹ áp đặt áp lực kinh tế tối đa lên Iran. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đưa xuất khẩu dầu của Iran xuống gần bằng 0 sau khi tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, xuất khẩu dầu của Iran đã tăng trở lại khi nước này tìm cách né tránh lệnh trừng phạt.

Iran – nhà sản xuất lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – hiện khai thác khoảng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng toàn cầu.

"Lý do giá dầu giảm về gần đáy của vùng giao dịch là vì phản ứng của Trung Quốc đối với thuế quan, nhưng sau đó đã tăng trở lại vì chính sách “áp lực tối đa” của ông Trump đối với Iran", ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group lưu ý.

Có thể bạn quan tâm