Nền kinh tế Việt Nam những ngày đầu năm 2023 đang phát đi những tín hiệu về nền tảng vĩ mô ổn định, tuy nhiên có thể chứng kiến nhiều thách thức trong năm nay. Trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều rủi ro đó, chứng khoán Viettinbank lựa chọn cổ phiếu các ngành phòng thủ điện, năng lượng và ngành đầu tư công làm trọng điểm…
Dòng vốn FDI có vai trò then chốt cho tăng trưởng
Trong báo cáo chiến lược thị trường quý 2/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương (mã chứng khoán: CTS) dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam gồm ba kịch bản tích cực, cơ sở, tiêu cực lần lượt với tăng trưởng GDP đạt 7,3%, 6,8%, 6,2% và chỉ số CPI đạt 5%, 4,5%, 4,3%, phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, và sự phục hồi du lịch.
Tổ chức chứng khoán này đánh giá, động lực tăng trưởng nền kinh tế 2023 phụ thuộc vào giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo tỷ giá và lạm phát ổn định nên biện pháp tăng cung tiền qua kích cầu đầu tư công và giảm thuế đối với một số mặt hàng chủ chốt bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xăng dầu, điện, nước để tăng cầu nội địa trong khi vẫn sử dụng mạnh mẽ chính sách thắt chặt tiền tệ.
Về tốc độ mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ số IIP năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước, tuy nhiên quý 4/2022 ghi nhận mức tăng thấp nhất năm 3% do đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2023 đạt 47,7 điểm cho thấy sức khỏe ngành sản xuất suy giảm mạnh từ cuối quý 1/2023.
Năm 2023, xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký mới có xu hướng tăng mạnh do nền của cùng kỳ năm ngoái âm khi chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chính sách giãn cách Covid-19.
Dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực vào Việt Nam trong năm 2023 tăng khoảng 15% so với năm trước, nhờ một phần dòng vốn dịch chuyển trong chuỗi giá trị toàn cầu từ Hàn Quốc, Thụy Điển, Hoa Kỳ.
Về mức lãi suất, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định nâng lãi suất điều hành cho thấy ba điều chỉnh rõ rệt, mỗi loại hình lãi suất trung bình tăng 2%. Động thái này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lên “phòng tuyến” tỷ giá trong khi xuất nhập khẩu và nguồn vốn FDI đóng vai trò then chốt cho tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.
Chứng khoán Viettinbank cho rằng, lãi suất điều hành ở Việt Nam có thể đã đạt đỉnh vào tháng 1/2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng khi mà các nhà băng đã huy động được một lượng lớn vốn từ thị trường 1 ở mức lãi suất cao vào năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vốn được kiểm soát chặt chẽ.
Tính đến ngày 15/4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất điều hành, đánh giá tốc độ giảm lãi suất tái cấp vốn chậm hơn hai loại lãi suất còn lại cho thấy nỗ lực của Chính Phủ trong việc kích cầu tín dụng trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, những cố gắng ngày có thể được đền đáp vào cuối năm nay. Chứng khoán Viettinbank kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được duy trì ở mức như hiện tại trong năm 2023.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này dự báo lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này sẽ gia tăng khi FED dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý 4/2023.
Lựa chọn các ngành phòng thủ
Có thể thấy triển vọng vĩ mô của Việt Nam tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những thách thức. Trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều rủi ro đó, chứng khoán Viettinbank lựa chọn các ngành phòng thủ như điện, năng lượng và ngành đầu tư công làm trọng điểm.
Ngoài ra, lựa chọn những cổ phiếu có nội lực tốt về hoạt động kinh doanh sản xuất và có khả năng chống chọi được những biến động bất ngờ của thị trường để nắm giữ năm 2023.
Dự báo về thị trường chứng khoán trong năm 2023, chứng khoán Viettinbank đưa ra 3 kịch bản cho thị trường. Với kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ ổn định và tạo đáy dài hạn tại ngưỡng hỗ trợ 870 điểm, có thể hồi phục lên vùng 1.050 – 1.055 điểm (tương đương với mức hồi phục 20,8%).
Kịch bản tích cực, VN-Index có thể sớm tạo đáy và ổn định tại ngưỡng 981-983 điểm của tháng 1/2023, có thể hồi phục về gần 1.200 điểm (tương đương với mức hồi phục 22,1%). Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể tìm về đáy của tháng 7/2020 tại ngưỡng 778 điểm, ổn định và hồi phục lên ngưỡng 980 điểm (tương đương với mức hồi phục 26%).
Về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới duy trì đà tăng tăng trưởng tích cực kể từ tháng 1/2020, đạt ngưỡng đỉnh vào tháng 5 và tháng 6/2022. Tuy nhiên, nhanh chóng ghi nhận suy giảm đáng chú ý kể từ tháng 7/2022 đi cùng với sự sụt giảm cả về chỉ số chính VN-Index với thanh khoản thị trường bao gồm khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân phiên.
Trong năm 2023, tổ chức chứng khoán này dự báo số lượng tài khoản mở mới sẽ tiếp tục sụt giảm.
Từ những dự báo trên, chứng khoán Viettinbank đưa ra khuyên nghị tích cực đối với các cổ phiếu như POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam); NT2 (Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2); PC1 (Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1); PVT (Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí); VNM (Công ty Cổ phần sữa Việt Nam); HPG (Tập đoàn Hòa Phát);
HHV (Tập đoàn Đèo Cả); C4G (Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4); SKG (Công ty Cổ phần Tàu cao tốc Superdong); VCG (Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam); PVD (Tổng Công ty Cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí; PLX (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam); HT1 (Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên); ANV (Công ty Cổ phần Nam Việt).