Công ty cổ phần VNG được cấp mã chứng khoán

Bắt đầu từ ngày 23/12/2022, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) nhận lưu ký hơn 35,8 triệu cổ phiếu VNZ do Công ty cổ phần VNG (VNG) đăng ký.

Trước đó, Công ty cổ phần VNG cũng thông báo ngày 28/11 sẽ chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch tại UpCom.

Theo BCTC hợp nhất quý III được công bố, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Do chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế quý III 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đạt 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

VNG được thành lập năm 2004, với tên gọi là Vinagame. Năm 2005, VNG đánh dấu thành công đầu tiên bằng việc ký kết với Kingsoft để mang game "Võ Lâm Truyền Kỳ" về Việt Nam. "Võ Lâm Truyền Kỳ" đã đưa Vinagame được đứng trong hàng các nhà phát triển game lớn tại Việt Nam.

Năm 2008, công ty đổi thương hiệu thành VNG Corporation, mở rộng lĩnh vực hoạt động, không chỉ dừng lại ở game mà còn mở rộng sang nhiều mảng kinh doanh khác trong lĩnh vực công nghệ.

Ngoài phát triển game online mới, VNG còn tích cực phát triển các ứng dụng như ra mắt hệ thống dịch vụ trực tuyến Zing (bao gồm Zing MP3, ZingMe, Zing Chat, Zingnews), ra mắt ứng dụng nhắn tin và gọi điện trên nền tảng di động Zalo, ví điện tử ZaloPay, trợ lý ảo của Zalo mang tên Ki – Ki. Ngoài ra, VNG còn góp vốn đầu tư vào các công ty start – up công nghệ như Tiki, Telio, Ecotruck, Rocketeer,…

Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD theo World Start – up Report, trở thành "kỳ lân công nghệ" đầu tiên tại Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm