Dịch cúm A diễn biến phức tạp trên toàn cầu

Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng triệu ca nhiễm và hàng trăm nghìn ca tử vong do cúm mùa. Tuy nhiên, dịch bệnh năm nay có nguy cơ trở nên phức tạp hơn khi cả Mỹ và Nhật Bản đều ghi nhận đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua…

Dịch cúm A diễn biến phức tạp trên toàn cầu

Nước Mỹ đang chứng kiến diễn biến cúm mùa đáng báo động với số ca nhiễm tăng cao đáng kể. Theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đã có ít nhất 24 triệu ca nhiễm, 310.000 trường hợp nhập viện và 13.000 ca tử vong, bao gồm ít nhất 57 trẻ em.

Thông thường, mùa cúm đạt đỉnh vào khoảng tháng Hai hàng năm. Chỉ riêng trong tuần trước, 43 bang của Mỹ đều báo cáo mức độ lây lan cúm là cao hoặc rất cao, với tình trạng nghiêm trọng nhất diễn ra ở các bang miền Nam, Tây Nam và vùng phía Tây. Trong đó, hai chủng cúm mùa phổ biến là cúm A H1N1 và cúm A H3N2.

Dịch cúm đã buộc một số trường học tại Mỹ phải đóng cửa. Học khu Độc lập Godley, nơi có 3.200 học sinh gần Fort Worth (Texas) đã phải tạm dừng hoạt động trong ba ngày vào tuần trước sau khi 650 học sinh và 60 nhân viên phải nghỉ vì cúm. Người phát ngôn của học khu, Jeff Meador, gọi đây là mùa cúm tồi tệ nhất mà ông từng chứng kiến trong 15 năm qua.

Giới chức y tế Mỹ khuyến cáo tất cả người dân từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine cúm hàng năm.

Khoảng 44% người trưởng thành ở Mỹ đã tiêm vaccine cúm trong mùa đông này, tương tự như năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 45% so với mức trung bình 50% thông thường, theo CDC.

Không chỉ ở Mỹ, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với một đợt bùng phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với số ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1999. Cụ thể, khoảng 317.812 ca nhiễm đã được báo cáo tại 5.000 cơ sở y tế chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 12/2024. Trung bình mỗi cơ sở tiếp nhận 64 bệnh nhân, cao hơn gấp đôi mức cảnh báo 30 ca, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Tâm lý lo ngại càng lan rộng sau tin tức nữ diễn viên Đài Loan Từ Hy Viên qua đời trong kỳ nghỉ tại Nhật Bản. Ngôi sao 48 tuổi, nổi tiếng với vai diễn trong "Vườn Sao Băng", được cho là mắc viêm phổi do cúm và đã không qua khỏi vào ngày 2/2 do biến chứng.

Tình trạng này khiến hệ thống y tế Nhật Bản rơi vào khủng hoảng do thiếu hụt các loại thuốc kháng virus quan trọng, bao gồm Tamiflu. Nhiều công ty dược lớn đang vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao, thậm chí một số nhà cung cấp đã tạm dừng phân phối và dự kiến nối lại vào cuối tháng 2.

Riêng tại Việt Nam, thời gian gần đây cũng ghi nhận số ca mắc cúm gia tăng. Theo thống kê, tính từ đầu 2025 đến nay, cả nước báo cáo 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Trong đó, các chủng cúm yếu là cúm A H1N1, A H3N2 và cúm B.

Đáng chú ý, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã tiếp nhận và đang điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm trong tình trạng nặng, có bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với khí hậu nồm ẩm tạo điều kiện để mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Mặc dù có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng cúm A có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh nền.

Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch, nhằm đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Về phía người dân, Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tiêm vaccine phòng bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe… Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Xem thêm

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Hoa Kỳ rút khỏi WHO: Nhiều hệ lụy khó lường

Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - một động thái mà các chuyên gia cho rằng khiến Hoa Kỳ và các quốc gia khác kém an toàn hơn trước các bệnh truyền nhiễm và các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác...

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

Cảnh báo mới từ FDA về rủi ro của thuốc giảm cân

FDA vừa bổ sung một cảnh báo mới đối với các loại thuốc giảm cân như Ozempic và Wegovy, khuyến cáo rằng bệnh nhân sử dụng các thuốc này có thể đối mặt với nguy cơ hít phải dịch dạ dày vào phổi khi gây mê….

Có thể bạn quan tâm

Một giấc ngủ ngon là gốc của một cơ thể khỏe mạnh

10 thực phẩm tự nhiên tốt cho người mất ngủ

Bổ sung những thực phẩm giàu dưỡng chất và vitamin vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn là bí quyết tuyệt vời để bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ ngon và sâu...

Bác sĩ cảnh báo về phương pháp súc miệng dầu dừa

Bác sĩ cảnh báo về phương pháp súc miệng dầu dừa

Súc miệng dầu dừa, hay còn gọi là “oil-pulling” đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội như một phương pháp chăm sóc răng miệng ngon-bổ-rẻ, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành lại đặt câu hỏi về lợi ích thực sự của phương pháp này…

Thị trường đồ uống bổ trợ sức khoẻ lên ngôi

Thị trường đồ uống bổ trợ sức khoẻ lên ngôi

Thị trường đồ uống chức năng toàn cầu đang duy trì được phong độ tăng trưởng ổn định, trong đó Trung Quốc nổi lên như một động lực quan trọng với nhu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng…

Đội ngũ nghiên cứu do giáo sư Sun Cheng từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc dẫn đầu

Công cụ mới giúp dự đoán nguy cơ tái phát ung thư gan

Trung Quốc và Singapore mới đây đã phát triển được hệ thống chấm điểm TIMES giúp dự đoán nguy cơ tái phát ung thư gan với độ chính xác lên đến 82,2%, mở ra hướng đi mới cho điều trị căn bệnh nguy hiểm này…