Một vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến món bánh Hamburger Quarter Pounders của McDonald’s Mỹ đã được xác định nguyên nhân là do vi khuẩn E. coli O157:H7, loại vi khuẩn có thể gây ra các bệnh nguy hiểm và thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng 50 người đã bị nhiễm bệnh trong vụ bùng phát này, với độ tuổi dao động từ 13 đến 88 tuổi và đã có một ca tử vong được ghi nhận.
Theo điều tra sơ bộ cho thấy, hành tươi thái lát dùng trong món Quarter Pounders có thể là nguồn lây nhiễm chính.
E. coli là một loại vi khuẩn phổ biến, tồn tại trong môi trường tự nhiên, bao gồm nước, thực phẩm và trong ruột của cả người và động vật. Mặc dù phần lớn các chủng E. coli là vô hại, một số loại có thể gây ra các bệnh lý nặng.
Loại vi khuẩn gây ra vụ bùng phát tại McDonald’s là E. coli O157:H7, có thể tạo ra độc tố dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, suy thận và các biến chứng nguy hiểm khác. Con người có thể nhiễm E. coli khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc thông qua tiếp xúc với động vật, môi trường hay người đang nhiễm bệnh.
Trong cuộc điều tra ban đầu, các nhà chức trách tập trung điều tra hai nguyên liệu hành tươi và miếng thịt bò có trong món ăn. Tuy nhiên, thịt bò được đánh giá không phải là nguồn chính do các quy định khắt khe về kiểm tra chất lượng thịt và quy trình nấu chín ở nhiệt độ tiêu diệt vi khuẩn. Ngược lại, hành tươi được dùng sống và không qua chế biến nhiệt.
Hiện tại, McDonald’s đã tạm ngừng cung cấp bánh Hamburger Quarter Pounder tại nhà hàng ở Colorado, Kansas, Utah và Wyoming, cùng như một số vùng của các bang Idaho, Iowa, Missouri, Montana, Nebraska, Nevada, New Mexico và Oklahoma.
Triệu chứng nhiễm E. coli thường xuất hiện khá nhanh trong vòng một đến hai ngày sau khi tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc tiêu chảy ra máu, hoặc các dấu hiệu mất nước như ít đi tiểu, khát nước liên tục hoặc choáng váng. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao bị tổn thương thận nghiêm trọng vì vậy cần phải điều trị y tế ngay lập tức.
Phần lớn người bị nhiễm khuẩn đều hồi phục mà không cần điều trị trong vòng 1 tuần nhưng một số trường hợp trở nặng có thể cần phải nhập viện.
Theo CDC, có khoảng 74.000 ca nhiễm vi khuẩn E. coli O157:H7 mỗi năm ở Mỹ, trong đó hơn 2.000 ca nhập viện và 61 trường hợp tử vong. Mặc dù tỷ lệ nhiễm E. coli đã giảm nhẹ trong năm 2023 nhưng số ca suy thận nghiêm trọng vẫn ở mức đáng lo ngại theo thống kê liên bang.
Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến ít nhất 48 triệu người tại Mỹ mỗi năm, với khoảng 128.000 ca nhập viện và 3.000 ca tử vong E. coli chỉ là một trong nhiều tác nhân gây bệnh. Loại vi rút gây ngộ độc phổ biến nhất là norovirus, ghi nhận 19 triệu đến 21 triệu ca mỗi năm. Bên cạnh đó, vi khuẩn Salmonella trong thực phẩm gây bệnh cho 1,3 triệu người, còn vi khuẩn Listeria, dù chỉ gây ra 1.600 ca nhiễm nhưng lại dẫn đến 260 trường hợp tử vong.
Ngộ độc thực phẩm vẫn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đòi hỏi sự chú ý của cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.