Có nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tục xin chứng nhận hợp quy cho các loại gia vị tạm nhập để chế biến sản phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của khách hành là một... vướng mắc "khó tin" như vậy.
Gia vị và phụ gia được doanh nghiệp nhập khẩu về để chế biến hàng thủy sản rồi xuất đi nước ngoài (không tiêu thụ trong nước), vẫn phải qua kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm mới được nhập.
Theo Nghị định 38/2012, khi nhập các loại gia vị và phụ gia về phục vụ sản xuất, doanh nghiệp phải làm hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thuộc Bộ Y tế (không phải các chi cục ATTP tại địa phương) với nhiều loại giấy tờ kèm theo. Nếu hồ sơ đầy đủ, mất ít nhất 1 tháng kể mới có giấy xác nhận. Nếu hồ sơ không đủ, phải làm đi làm lại, mất đến vài tháng mới có giấy xác nhận, khiến nhiều doanh nghiệp lỡ cơ hội làm ăn.Đại diện một doanh nghiệp chế biến thủy sản cho biết, công ty chị sau khi bàn kỹ với khách hàng nhập khẩu sản phẩm, đã thống nhất khách hàng sẽ chỉ định công ty nước ngoài cung cấp gia vị và phụ gia. Nhưng lô gia vị, phụ gia này chỉ được đưa vào sản xuất khi có giấy xác nhận hợp quy từ Cục ATTP. Đến khi có giấy xác nhận, tức là sau 3 tháng, lô gia vị, phụ gia này đã hết thời hạn sử dụng. “Thủ tục hành chính như vậy sẽ làm lỡ làng việc làm ăn của doanh nghiệp, đối tác nước ngoài sẽ chuyển sang làm ăn với Thái Lan hay nước khác”, chị nói.Ông Man Đức Hiền từ Công ty COFIDEC kể một câu chuyện khác. Nộp hồ sơ trực tuyến xin công bố hợp quy lên Cục ATTP vào cuối tháng 5, công ty được hẹn lấy kết quả vào ngày 24-6. Nhưng đến ngày đó, cục mới bắt đầu mang hồ sơ ra giải quyết, và công ty phải bổ sung hồ sơ ba lần bằng đường bưu điện, mất rất nhiều thời gian. “Chúng tôi không biết phải giải thích với khách hàng Nhật Bản ra sao về việc họ phải đợi mới có hàng. Các gia vị và phụ gia chỉ là hàng tạm nhập tái xuất, không mang ra sản xuất hàng tiêu dùng ở trong nước thì sao phải kiểm?”, ông Hiền bức xúc, “Mà tiêu chuẩn về ATTP ở Nhật Bản rõ ràng cao hơn mình, họ đã chấp thuận, mình còn kiểm làm gì nữa?”.Những bức xúc này được nêu ra trong hội thảo “Lấy ý kiến về khó khăn, vướng mắc liên quan đến ghi nhãn, công bố hợp chuẩn, hợp quy và an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu” được Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC) - Bộ Tư pháp và Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TPHCM ngày 18-7. Đây là một trong những hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia mà Cục KSTTHC và VASEP là thành viên, nhằm tháo gỡ các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phàn nàn về thủ tục dán nhãn tiếng Việt trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu, quy định về dán nhãn sản phẩm, phí kiểm lô hàng gia vị nhập khẩu quá cao (hơn 8 triệu đồng/lô), tỷ lệ lấy mẫu để thẩm tra về sản phẩm rất dày đặc và phí thẩm tra từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đối với các doanh nghiệp quá cao…Theo bà Đỗ Thái Hà, Phó cục trưởng Cục KSTTHC, Phó tổng thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia, trong thời gian qua hội đồng đã rà soát 116 thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cắt giảm thêm 31 thủ tục hành chính không cần thiết, sửa đổi bổ sung 30 thủ tục. Qua việc lấy ý kiến từ các doanh nghiệp thủy sản, hội đồng sẽ tiếp tục đề xuất để đảm bảo cải cách thủ tục hành chính toàn diện, triệt để, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực trong việc nâng cao hiệu quả cạnh tranh cho các doanh nghiệp thủy sản.
Theo TBKTSG