Doanh thu năm 2021 của Dệt may TNG vượt 5.500 tỷ đồng, tăng 22%

Gộp chung cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Dệt may TNG đạt 5.445 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020 và hoàn thành vượt 13% kế hoạch của cả năm.
Doanh thu năm 2021 của Dệt may TNG vượt 5.500 tỷ đồng, tăng 22%

CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã Ck: TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 12 ở mức 468 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế cả năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của TNG đạt 5.445 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020 và hoàn thành vượt 13% kế hoạch của cả năm. Như vậy, doanh thu quý IV của TNG xấp xỉ 1.365 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính tháng 11, Dệt may TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế 214 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và vượt 22% kế hoạch năm. EPS đạt 2.308 đồng, tăng 15%.

Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hàng mục tiêu là các dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.

Ngày 14/1 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để TNG lập danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2021 tỷ lệ 4%. Tổng số tiền thanh toán khoảng 37 tỷ đồng, thời điểm thực hiện là 24/1. Chính sách cổ tức năm 2021 dự kiến tối thiểu 16% bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu do hội đồng quản trị quyết định.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Agribank (AGR) cho rằng doanh thu những tháng cuối năm của TNG tăng trưởng là nhờ nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường xuất khẩu phục hồi, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Đồng thời, doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động các chuyền may mới ở nhà máy Võ Nhai 2 và Phú Bình mở rộng để gia tăng công suất cũng như đa dạng hóa sản phẩm.

Cụ thể, nhà máy Võ Nhai 2 được đưa vào hoạt động từ tháng 7/2021 với 20 chuyền may; dây chuyền bông số 3 hoạt động từ tháng 8. Trong khi đó, nhà máy Phú Bình mở rộng hoạt động từ tháng 11 với 22 chuyền may sản xuất lều trại; nhà máy Sông Công mở rộng hoạt động từ tháng 12 với 22 chuyền may sản xuất găng tay.

Tổng giá trị đầu tư các dự án này lên đến 480 tỷ đồng, nâng công suất của TNG lên khoảng 30% so với trước đó. Dự kiến giai đoạn 2022-2023, các nhà máy mới như Đồng Hỷ 2 và Đại Từ 2 cũng sẽ được đưa vào hoạt động với thêm 42 chuyền may.

Bên cạnh đó, sau thời gian bị dồn nén bởi đại dịch Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ hay châu Âu đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Các hiệp định tự do thương mại như EVFTA chính thức có hiệu lực cũng là động lực giúp TNG gia tăng lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ khác trên thế giới.

Hiện nay, TNG cho biết họ đã kín đơn hàng cho tới hết quý II/2022, thậm chí các khách hàng lớn như Decathlon đã ký đơn hàng cho tới tháng 9 năm sau.

Sang năm 2022, triển vọng tăng trưởng của TNG vẫn tương đối khả quan khi mảng bất động sản cho thấy tín hiệu tốt, dự báo dự án cụm công nghiệp Sơn Cẩm với diện tích 70ha của doanh nghiệp có thể đạt được tỉ lệ lấp đầy 100% và mang về doanh thu đột biến với 1.500 tỷ đồng trong năm 2022.

Đây là dự án khu công nghiệp nằm ở vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm gần cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác. TNG cũng tham gia đấu thầu nhiều dự án bất động sản thương mại tiềm năng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ đầu năm 2022.

AGR dự báo lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 có thể đạt 68 tỷ đồng, tăng 190% cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức 502 tỷ đồng, tăng trưởng 135% cùng kỳ.

Có thể bạn quan tâm