Đầu năm 2022, thông tin về việc các doanh nghiệp Việt bị lừa và có khả năng mất trắng 100 container hạt điều xuất khẩu gây chấn động và làm hoang mang cộng đồng doanh nghiệp Việt. Sự việc rất nghiêm trọng bởi sau thời gian liêu xiêu vì dịch, số lượng lớn hàng hóa bị lừa có thể khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu điều lâm vào cảnh phá sản.
Rất may, câu chuyện đã có một cái kết có hậu với việc hầu hết số hàng đã được “đòi” về cho doanh nghiệp. Không nhiều người biết rằng, “chiến công” này có sự góp sức của một người phụ nữ Việt nhỏ nhắn, rất tâm huyết với các doanh nghiệp Việt - bà Mai Tuyết Minh, Giám đốc Công ty True Vietnam, trụ sở tại Italy.
Có thể nói, thông tin về vụ các doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam bị các đối tượng môi giới từ Mỹ lừa 100 container điều xuất sang Italy khiến cộng đồng doanh nghiệp hoang mang. Và việc “đòi” được số hàng ấy trong thời gian kỷ lục lại càng khiến dư luận rất bất ngờ. Bà có thể cho biết “cơ duyên” nào đã đưa bà tới với vụ này?
Thực ra, nếu tôi không quyết liệt thuyết phục luật sư Davide Gallasso, chủ Văn phòng luật sư Davide Gallasso cùng cộng sự thì rất có thể vụ việc đã có một kết thúc khác.
Sở dĩ tôi nói vậy vì ngày mùng 6/3/2022, Trưởng thương vụ Việt Nam tại Italy mới gọi cho luật sư Davide Gallasso thông báo có một vụ việc liên quan đến xuất khẩu điều rất lớn, cần người có khả năng chuyên môn cao mới có thể giải quyết. Lúc này luật sư Davide Gallasso đang rất bận, hơn thế nữa thông tin cả một vụ lớn như vậy mà chỉ đưa trước có 2 ngày vì ngày mùng 8/3 đã có lô hàng đầu tiên sẽ cập cảng Genova, Italy.
Tình thế cực kỳ khẩn cấp. Thông tin tài liệu thì quá nhiều và nhiễu loạn thông tin trong nước, các doanh nghiệp không có nhiều kinh nghiệm. Luật sư David Gallasso chần chừ không muốn nhận một vụ có quá nhiều rủi ro như vậy. Hơn thế nữa, vụ này có quá nhiều các bên liên quan, ngoài kiến thức về luật, vụ này đòi hỏi người có kinh nghiệm sâu về thương mại quốc tế.
Về phía mình, khi biết thông tin vụ việc, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là ảnh hưởng của nó với ngành xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ như thế nào? Bao nhiêu doanh nghiệp phá sản? Bao nhiêu công nhân mất việc làm? Còn con cái, gia đình họ thì sao? Vì ai cũng biết, các doanh nghiệp đều đã rất suy yếu sau mấy năm trải qua đại dịch Covid-19, nay vừa mới có chút hi vọng vào đơn hàng lớn sau dịch thì lại bị lừa, khả năng mất trắng. Hơn thế nữa, tôi được biết trong 6 chủ doanh nghiệp bị lừa ấy thì có 3 là nữ.
(Ảnh: Các luật sư văn phòng luật sư Davide Gallasso và bà Mai Tuyết Minh bàn kế sách đòi hàng)
Cùng là phụ nữ tôi rất hiểu, để xây dựng được doanh nghiệp lớn như thế thì phải nỗ lực đánh đổi thế nào. Vì thế, tôi tự ra quyết tâm phải cứu bằng được vụ này. Nó đúng chuyên ngành bao năm tích lũy kinh nghiệm của tôi và hơn hết là tình yêu quê hương nơi mà tôi luôn hướng về. Tôi quyết định mình phải thuyết phục bằng được luật sư Davide Gallasso nhận vụ này. Cuối cùng, nhìn thấy quyết tâm của tôi, Davide đã đồng ý nhận vụ việc.
Ngay lập tức, Thương vụ Việt Nam tại Italy làm giấy tờ ủy quyền cho luật sư và cộng sự. Các luật sư hoàn tất thủ tục ủy quyền, ký kết hợp đồng trợ giúp pháp lý với 6 doanh nghiệp bị thiệt hại và nhanh chóng bắt tay vào vụ việc.
Có một điều mà rất nhiều người băn khoăn, là các doanh nghiệp Việt đều đã hoạt động trong lĩnh vực này lâu rồi, tại sao lại dễ bị lừa đến vậy, nhất là với đơn hàng lớn như thế thì lại càng phải cẩn trọng? Là người trong cuộc, theo sát vụ việc từ đầu tới cuối bà nhận định lỗ hổng dẫn đến vụ việc này ở đâu?
Đúng là cả 6 doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp rất lớn có rất nhiều năm kinh nghiệm trong ngành chế biến và xuất khẩu hạt điều. Nhưng cũng phải nói rằng các đối tượng lừa đảo lại rất “cao tay” khi đánh vào tâm lý của doanh nghiệp. Trước hết, thời điểm vụ việc xảy ra ngay sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị tồn đọng hàng quá nhiều nên rất nôn nóng xuất hàng khi có khách hỏi mua. Thông qua môi giới đã từng có thâm niên hợp tác với một hai doanh nghiệp trước đó, vì tin tưởng nên tất cả doanh nghiệp đã ký hợp đồng môi giới và hợp đồng mua bán rất đơn giản theo mẫu giống hệt nhau, gần như không có nhiều điều khoản bảo vệ bên bán.
Thứ hai vì thông qua môi giới đã thành công một vài thương vụ trước đó, hơn thế nữa các doanh nghiệp chủ quan là làm việc với các công ty Châu Âu thì sẽ đáng tin nên các doanh nghiệp đã bỏ qua bước kiểm tra tín nhiệm của người mua lần đầu có giao dịch. Có rất nhiều bước kiểm tra tín nhiệm đối tác trước khi hợp tác nhưng các doanh nghiệp đã hoàn toàn bỏ qua.
Thứ ba, đối với các đối tác mới lần đầu hợp tác lại chưa được kiểm tra tín nhiệm kỹ càng thì không bao giờ được sử dụng điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P- Document against Payment). Vì điều khoản này, theo đúng người Việt mình hay nói là “thả gà ra đuổi”. Hàng đã trên tàu rồi tiền chưa nhận được, bộ chứng từ gốc là chứng cứ chứng minh doanh nghiệp là chủ nhân của lô hàng thì theo điều kiện hợp đồng đã được gửi chuyển phát nhanh đến ngân hàng người mua. Như vậy các doanh nghiệp đã vô tình mất hoàn toàn quyền kiểm soát các lô hàng.
Doanh nghiệp thì mất hoàn toàn quyền kiểm soát lô hàng, thời gian thì rất gấp, nhưng có thể nói vụ việc đã được giải quyết nhanh một cách bất ngờ. Kết quả này có được có nhờ một yếu tố đặc biệt nào không, thưa bà?
Đúng là nói thời gian rất ngắn là chuẩn trong trường hợp này. Phải nói là cực kỳ gay cấn thì đúng hơn vì các doanh nghiệp đã lờ mờ nắm được tình huống không hay từ hồi tháng 2/2022. Các doanh nghiệp đã cố gắng thuê luật sư trong nước để tìm cách giải quyết nhưng chưa thành công, cho đến tận mùng 6/3/2022 các doanh nghiệp mới liên hệ thông báo sang thương vụ Việt Nam tại Italy và thông tin đến được với chúng tôi là tối ngày mùng 6/3 trong khi đó lô hàng đầu tiên cập cảng là ngày mùng 8/3... Chỉ có hai ngày làm sao chúng tôi giải quyết đây? Nếu làm theo đúng thủ tục hành chính và qua tòa các cấp tại Italy thì phải mất cả năm trời chứ 2 ngày thì bản thân chúng tôi ban đầu cũng hơi lo…
Ngay sau khi nhận vụ này, xác định đây là một vụ lừa đảo, chúng tôi tổ chức cuộc họp với các cộng sự ngay trong đêm. Ưu tiên trước nhất là phải giữ được hàng. Mất hàng là coi như thua. Mà để giữ được hàng trong khi phía ta hoàn toàn mất quyền kiểm soát các lô hàng cũng như chứng từ gốc thì phải làm sao? Cơ quan chức năng nào tin? Cảng vụ và công an kinh tài Italy làm sao tin?
(Ảnh: Do dịch Covid-19, các luật sư phải làm việc online với các cơ quan pháp luật Italy và các doanh nghiệp Việt Nam)
Sau khi thống nhất, chúng tôi đã quyết định chọn chiến lược “đeo bám và thuyết phục” với việc đầu tiên là viết biển luận bảo vệ các doanh nghiệp rồi nộp lên tòa hình sự để lấy giấy chứng nhận đã nộp bảo vệ. Cũng ngay trong đêm, chúng tôi viết thư, nhắn tin, gọi điện thuyết phục Trưởng cảng vụ và công an kinh tài Genova. Vì chỉ có hai cơ quan này mới đủ thẩm quyền giữ lại hàng trong cảng khi kẻ xấu đã có chứng từ gốc trong tay và đang làm thủ tục thông quan để lấy hàng.
Về lý chúng tôi đang rất đuối lý cũng như đuối căn cứ cơ sở. Chúng tôi biết là rất khó nhưng vẫn nỗ lực thuyết phục. Và sau rất nhiều trao đi đổi lại, cuối cùng cảng vụ và công an kinh tài Genova đã nhận lời hợp tác và gần như ngay tức khắc họ khóa hệ thống, không cho các lô hàng của các doanh nghiệp này thông quan.
Như vậy chỉ với 9 ngày làm việc liên tục không kể ngày đêm chúng tôi đã khóa được cả 35 công hàng bị mất chứng từ trong số 70 công hàng lên đường giao cho bên mua trong cảng. Đây là thắng lợi bước đầu cũng là thắng lợi tiên quyết thay đổi cục diện của cuộc chiến. Từ mất kiểm soát hàng hoàn toàn sang hàng đã nằm trong cảng theo đề nghị của phía chúng ta. Cũng phải nói rằng, thời điểm này này chúng tôi liên tục gặp sức ép từ phía bên mua gọi điện đe dọa, yêu cầu trả hàng, phía bên mua cũng thuê luật sư đòi kiện lại văn phòng luật Davide Gallasso và cộng sự vì yêu cầu công an khóa hàng mà họ là chủ sở hữu. Vì theo luật thương mại quốc tế. Bên nào có chứng từ gốc thì bên đó là chủ lô hàng.
Doanh nghiệp chúng tôi như “chết đi sống lại”
Các doanh nghiệp trong vụ này đều đã biết nhà môi giới từ 10 năm trước, vì họ cũng là thành viên của Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) nên ít nhiều đều có sự tin tưởng. Nhưng sau khi ký hợp đồng (đầu tháng 1/2022, với điều kiện tất cả hợp đồng giao trước 15/2) khoảng 1 tháng sau thì chúng tôi bắt đầu “hoảng” khi ngân hàng của Italy thông báo với ngân hàng phía Việt Nam là bộ chứng từ mà họ nhận được chỉ là những tờ giấy trắng, tức là bộ chứng từ đã bị tráo đổi.
Riêng doanh nghiệp của chúng tôi có 13 cont hàng, tương đương 309,582 tấn nhân. Thời điểm đó quả thực chúng tôi như ngồi trên lửa vì nắm đằng lưỡi khi hàng thì đã xuất mà tiền thì sắp mất. Trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp của chúng tôi với hơn 200 công nhân coi như phá sản. Các doanh nghiệp còn lại cũng trong tình cảnh tương tự.
Chính vì thế, không chỉ tôi mà tất cả 6 doanh nghiệp đều vô cùng biết ơn và nể phục tiến độ làm việc để đem lại thành công hơn sự mong đợi của đoàn luật sư và cộng sự. Đặc biệt chị Tuyết Minh đã luôn theo sát hỗ trợ 6 doanh nghiệp một cách rất nhiệt tình.
Bà Đặng Thị Thu Vân
Cty TNHH MTV Phúc Vân Phước Long, Bình Phước
Ngoài những nỗ lực của bà và văn phòng luật Davide Gallasso và cộng sự, các cơ quan chức năng trong nước cũng đã có nhiều tác động đến vụ việc này?
Tất nhiên, những kết quả khả quan ấy, tôi vẫn nói là có được do chúng ta có nhiều “mũi tấn công”. Một mặt là sự quyết tâm, nỗ lực của chúng tôi và văn phòng luật sư Davide Gallasso cùng cộng sự. Nhưng mặt khác cũng phải nói tới sự hỗ trợ của đại sứ Việt Nam tại Italy và tham tán thương mại Việt Nam tại Italy. Đặc biệt, từ phía trong nước, Thủ Tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Hiệp hội hạt điều Vinacas cũng đã có nhiều cuộc nói chuyện, tạo áp lực lên phía các cơ quan chính quyền tại Italy trong suốt quá trình giải quyết vụ việc này.
Những sức ép ấy đã đạt kết quả cụ thể. Sau khi giữ được hàng an toàn, cùng sự hỗ trợ của Thủ tướng và các bộ ban ngành ở Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại Italy… Tòa hình sự và Tòa dân sự của Italy đã ra phán quyết sớm hơn thường lệ. Những phán quyết này phải nói là “bất thường”, vì theo thường lệ, những vụ việc thế này phải kéo dài từ một đến ba năm mới ra được phán quyết. Và nếu như vậy thì hàng hạt điều đi trên biển cả tháng trời đã bị ngấm ẩm lại phơi ở bãi công ngoài cảng dưới cái nóng mùa hè Italy thì khi lấy được hàng xong cũng chỉ còn cách đổ bỏ.
(Từ trái qua: Bà Mai Tuyết Minh, luật sư Davide cùng Đại sứ Dương Hải Hưng - Đại sứ Việt Nam tại Italy (ảnh 1); Bà Mai Tuyết Minh cùng Đại tưởng, Tổng tư lệnh công an Liên quốc gia Italy Gino Micale (ảnh 2))
Cũng phải nói một chi tiết, khi các hãng tầu nhận được thông tin hàng bị giữ lại cảng, ngay lập tức họ làm mọi cách thúc các doanh nghiệp phải đặt cọc tiền lưu công, lưu bãi. Như vậy, chúng tôi có thêm rất nhiều áp lực để bắt buộc phải chạy đua. Áp lực chất lượng hàng giảm, áp lực tiền phí lưu công lưu bãi, áp lực phía bên mua liên tục đe dọa và dùng mọi thủ đoạn để chiến thắng ở tòa, áp lực các hãng tầu không muốn cont của họ bị lưu trong cảng họ không quay vòng cont được…
Nếu kể hết những khó khăn và các bước của vụ việc này thì dài lắm. Nhưng có thể nói ngắn gọn là thành công của vụ này bắt đầu bằng việc chúng tôi xác định đưa vấn đề “chất lượng hàng có thể bị ảnh hưởng” để biện luận và thu thập chứng cứ, thúc đẩy tòa ra phán quyết đầu tiên tuyên cho phép các công ty lấy hàng ra bán sang cho người mua mới. Phán quyết đầu tiên này cũng giống như “ngầm” thừa nhận hàng đó là của các doanh nghiệp Việt. Để từ phán quyết đầu tiên ấy, cả Tòa hình sự và Tòa dân sự Italy ra thêm ba phán quyết và quyết định nữa tuyên hủy các bộ chứng từ kẻ xấu đang có trong tay và phải cho các doanh nghiệp lấy hàng ra ngay lập tức.
Như vậy tính từ ngày mùng 6/3 - 22/6/2022 là hơn 3 tháng, cả 35 công hàng của 6 công ty được cả tòa Hình sự và Dân sự ra phán quyết và giải cứu thành công cho dù các bên liên quan như hãng tầu và phía bên người mua có thuê luật sư yêu cầu bác bỏ các phán quyết và quyết định của tòa án. Đây thực sự là chiến thắng vô tiền khoáng hậu chưa từng xảy ra trước đó tính trên cả hai phương diện kết quả và thời gian giải quyết.
(Ảnh: Các quyết định giữ hàng không cho xuất cảng và trả lại hàng cho doanh nghiệp Việt của các cơ quan chức năng Italy)
Về kết quả: Các doanh nghiệp của chúng ta đã có tổng cộng 2 phán quyết và hai quyết định của hai cấp tòa hình sự và dân sự tuyên thắng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Về thời gian giải quyết: chúng ta có 2 lần có thời gian gian giải quyết nhanh không tưởng. Lần 1 là chặn hàng và lần 2 là khoảng thời gian để ra được phán quyết.
Một trong những chủ doanh nghiệp “đòi” được hàng đã nói rằng đây là một kết quả không tưởng, vì có lúc họ đã coi như mất trắng và chuẩn bị tinh thần cho kết quả xấu nhất có thể xảy ra…
Đúng là một kết quả không tưởng thật, nếu biết rằng năm 2017 cũng có 1 vụ đã xảy ra với 12 container của doanh nghiệp Việt xuất sang châu Phi và mất trắng. Và cũng không lâu sau khi chúng tôi đòi được hàng, một vụ tương tự cũng đã xảy ra với 10 container của các doanh nghiệp xuất khẩu điều của quốc gia khác sang Italy. Chúng tôi biết thông tin khi nhóm luật sư hỗ trợ vụ đó gọi cho chúng tôi để hỏi kinh nghiệm, nhưng kết quả vụ đó là hàng vẫn bị mất.
Về vụ này, tôi cho rằng chiến thắng này một là một minh chứng thành công của cả một tập thể từ Chính phủ Việt Nam tới mạng lưới luật sư, tri thức, chuyên gia ở nước ngoài hợp tác, đoàn kết, bọc lót bảo vệ các doanh nghiệp khi ra thương trường quốc tế. Đúng tinh thần đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã chia sẻ trong cuộc làm việc với luật sư Davide Gallasso và Mai Tuyết Minh ngày 23/11/2022 vừa qua: “Kẻ xấu thì có mặt khắp mọi nơi, không chỉ riêng ở Italy. Nhưng các mạng lưới các cấp của Việt Nam bọc lót hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam khi có sự cố để các doanh nghiệp yên tâm giao thương trên trường quốc tế là hành động và động lực thiết thực hơn hàng ngàn vạn lời nói.”
Xin được cung cấp thêm thông tin: Nhóm chúng tôi có bốn thành viên thì có 3 thành viên là nữ. Với học vấn, tuổi đời, kinh nghiệm và quốc tịch khác nhau nhưng chúng tôi đã cùng nhau vì Việt Nam, vì các doanh nghiệp Việt Nam mà chiến thắng. Luật sư Davide Massimiliano Gallasso chính là chồng tôi, người đã vì tôi, vì Tổ quốc của tôi mà dốc hết tâm sức để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp Việt, chiến thắng trong vụ kiện với thời gian ngắn hi hữu như thế này.
Qua vụ việc này, bà có thể đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khi làm ăn với các đối tác trên thương trường quốc tế.
Có thể nói Việt Nam hiện đang có quá nhiều cơ hội, vì sau Covid-19, Châu Âu, Mỹ và Úc nhận thấy họ cần đa dạng hóa nguồn cung thay vì bỏ trứng vào một giỏ là Trung Quốc. Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Châu Âu cũng là một cơ hội lớn để Việt Nam thâm nhập thị trường khó tính này sâu hơn, nhiều mặt hàng hơn. Theo tôi, chúng ta cần xác định cơ hội đồng thời cũng là thách thức, các doanh nghiệp thật sự cần trang bị những kiến thức, kỹ năng căn bản như:
Không nên sử dụng hợp đồng mua bán hay môi giới mẫu tải được trên mạng về vì những loại hợp đồng này chỉ có các điều khoản chung chung không thể phù hợp với từng mặt hàng doanh nghiệp đang làm và như vậy sẽ không bảo vệ được doanh nghiệp.
Không nên sử dụng hợp đồng của bên mua hay môi giới soạn sẵn vì họ sẽ luôn cài rất nhiều các điều khoản có lợi cho họ vào đó. Nếu bên bán không đủ kinh nghiệm sẽ không thể nhận ra những bẫy này
Với những đối tác mới lần đầu làm việc thì sao, thưa bà?
Quan trọng nhất là phải yêu cầu họ gửi hợp đồng của các đối tác họ đã mua hàng tương tự; Yêu cầu gửi báo cáo tài chính 3 năm gần thời điểm giao dịch; Kiểm tra với phòng thương mại địa phương nơi các công ty đăng ký kinh doanh các thông tin về công ty đối tác như giám đốc là ai, lịch sử hoạt động như thế nào….? Có thể trả phí để có được các thông tin này. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể bất chợt gọi điện thoại trong giờ làm việc đến số điện thoại bàn của công ty hỏi tên người giao dịch cùng mình và video call yêu cầu bên mua cho xem cơ sở vật chất của bên mua.
Qua bước 3 khi biết được ai là người đại diện theo pháp luật của công ty thì khi ký hợp đồng yêu cầu chính xác người có thểm quyền đại diện theo pháp luật ký và yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh người ký là người đại diện theo pháp luật hoặc có giấy ủy quyền được phép ký hợp đồng mua bán. Vì đã có trường hợp kẻ xấu làm giả toàn bộ thông tin của doanh nghiệp tồn tại thật để đi lừa đào mua hàng.
Nếu các doanh nghiệp làm việc qua môi giới và không biết bên mua là ai thì yêu cầu bên môi giới phải chịu trách nhiệm xác minh tính nhiệm của người mua. Và điều khoản quy định trách nhiệm này phải được thể hiện rõ trong hợp đồng ký với bên môi giới.
Với đối tác lần đầu hợp tác nên dùng các điều khoản thanh toán an toàn hơn như trả trước 20% -50% khoản còn lại thanh toán trước khi hàng lên tàu. Khi khách hàng thanh toán quốc tế hồ sơ giấy tờ đã được bên ngân hàng kiểm tra khá chặt chẽ nên có thể yên tâm. Nhưng để làm được điều này các doanh nghiệp cùa ta phải nỗ lực không ngừng để nâng cao giá trị sản phẩm và uy tín của công ty trên thương trường để có năng lực đàm phán mạnh hơn.
Nếu doanh nghiệp không tự làm được các điều trên đây thì giải pháp an toàn nhất là thuê luật sư tại nước có người mua kiểm tra người mua và soạn hợp đồng. Chi phí thuê luật sư dù sao cũng rẻ hơn nhiều so với việc mất cả lô hàng.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ này.
Bài: Hoàng Giang
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Hoàng Nam
Kỹ thuật: AICMS