Mỹ hạ thuế cho hàng hoá giá trị thấp từ Trung Quốc

Mỹ sẽ giảm thuế suất "de minimis" đối với các lô hàng giá trị thấp từ Trung Quốc xuống 30%, một động thái hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…

Mỹ hạ thuế cho hàng hoá giá trị thấp từ Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành sắc lệnh hành pháp cắt giảm thuế quan “de minimis" đối với các lô hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc.

Sắc lệnh mới được công bố mang đến một số tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Shein và Temu (thuộc sở hữu của PDD Holdings), đồng thời nối tiếp các thoả thuận sơ bộ đạt được vào cuối tuần qua giữa Bắc Kinh và Washington, theo đó hai bên nhất trí tạm gỡ bỏ phần lớn các mức thuế đối ứng trong 90 ngày.

Dù tuyên bố chung sau cuộc đàm phán tại Geneva (Thuỵ Sĩ) không đề cập đến chính sách "de minimis", nhưng sắc lệnh do Tổng thống Trump ký cho thấy thuế quan đối với các lô hàng chuyển phát trực tiếp từ Trung Quốc tới tay người tiêu dùng Mỹ, có giá trị dưới 800 USD, sẽ hạ từ 120% xuống còn 54% kể từ 14/5. Mức phí cố định 100 USD/lô hàng gửi qua bưu điện vẫn được duy trì, đồng thời kế hoạch tăng mức phí lên 200 USD vào ngày 1/6 đã bị hủy bỏ.

Còn những gói hàng do các công ty chuyển phát nhanh thương mại như UPS, FedEx hay DHL xử lý, vốn đã vận chuyển hàng triệu đơn hàng Shein và Temu, thì quy định lại khác. Sau khi chính quyền Trump chấm dứt cơ chế “ngoại lệ de minimis”, thì những lô hàng này nay sẽ chỉ phải chịu mức thuế mới là 30%, thay vì 145% như trước đó, theo tiết lộ của hai chuyên gia ngành vận chuyển với Reuters.

Như họ giải thích, mức thuế 30% được hình thành từ hai phần, một là mức thuế cơ bản, vốn từng là 145% nay xuống còn 10%, cộng thêm 20% thuế riêng do liên quan đến cuộc khủng hoảng fentanyl tại Mỹ.

Nhà Trắng và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hiện chưa phản hồi yêu cầu làm rõ về vấn đề này. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã chia trên CNBC rằng mức thuế 10% áp dụng toàn cầu sẽ được giữ nguyên để hỗ trợ tái thiết ngành sản xuất trong nước.

Thông thường, các hãng vận chuyển thương mại sẽ thu thuế từ người bán Trung Quốc trước khi hàng rời kho, nhưng Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) lại không có cơ chế để xử lý các khoản thuế như vậy. Bốn nguồn tin của Reuters xác nhận phần lớn đơn hàng của Temu và Shein hiện nay đều do các hãng vận chuyển thương mại xử lý.

Dù vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng từ Trung Quốc vẫn sẽ phải chịu mức thuế cao theo các hành động thương mại trước đây hoặc do điều tra an ninh quốc gia theo từng ngành. Ví dụ, kim tiêm và găng tay phẫu thuật hiện đang chịu mức thuế 100% theo mục 301 của luật thương mại Mỹ.

Một chuyên gia trong ngành vận chuyển cho biết, nếu những sản phẩm như vậy được gửi qua đường bưu điện và có giá trị dưới 800 USD, chúng có thể chỉ bị tính thêm phí 100 USD, tương đương mức thuế hiệu dụng 12,5%.

Hồi tháng 2, Tổng thống Trump đã chấm dứt cơ chế miễn thuế "de minimis" và áp dụng các quy định phân biệt giữa hàng gửi qua bưu điện và hàng do công ty vận chuyển thương mại xử lý. Ông cho rằng chính sách miễn thuế cũ đã góp phần gây ra làn sóng hàng hóa Trung Quốc tràn vào Mỹ, đồng thời tiếp tay cho nạn buôn lậu fentanyl và hàng hóa trái phép.

Trên thực tế, số lượng đơn hàng nhập vào Mỹ thông qua kênh miễn thuế này đã bùng nổ trong những năm gần đây, với hơn 90% các kiện hàng là nằm trong diện “de minimis”. Trong đó, khoảng 60% có nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ yếu là các nhà bán lẻ trực tuyến như Temu và Shein. Theo lời khai trước Quốc hội Mỹ của một quan chức Hải quan và Biên phòng Mỹ, trong năm tài khóa 2023, giá trị trung bình mỗi lô hàng theo diện "de minimis" chỉ khoảng 54 USD.

Như ước tính của ngân hàng Nomura, trong năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 240 tỷ USD theo diện miễn thuế "de minimis", chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 1,3% cho GDP.

Ông Jianlong Hu, CEO của hãng tư vấn thương mại điện tử xuyên biên giới Brands Factory, cho rằng mức thuế 54% vẫn là rất cao. “Nhiều nhà bán hàng có thể sẽ theo dõi tình hình thêm một thời gian, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy rằng thời kỳ hoàng kim của hình thức giao hàng gói nhỏ từ Trung Quốc sang Mỹ đã kết thúc”.

Shein là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi mô hình kinh doanh thời trang còn phục thuộc vào tốc độ cung cấp, vận chuyển hàng loạt mẫu mã mới mỗi tuần đến tay người tiêu dùng phương Tây bằng đường hàng không. Ông Jianlong Hu cho rằng nền tảng vẫn sẽ chọn gửi một số đơn hàng bằng đường hàng không và chấp nhận mức thuế 54%, thay vì chuyển hoàn toàn sang đường biển. “Nếu người mua hàng trên Shein được thông báo phải đợi một tháng mới nhận được quần áo, thì ai còn muốn mua nữa?”, ông Hu nhấn mạnh.

Xem thêm

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Shein và Temu "xoay trục”, đẩy mạnh kinh doanh tại Châu Âu

Đối mặt với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu và chấm dứt “ngoại lệ de minimis”, hai “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Shein và Temu đang mở rộng kế hoạch chi tiêu quảng cáo tại châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp, để chuẩn bị cho việc mở rộng kinh doanh tại đây…

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…

Có thể bạn quan tâm

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Người Hàn mua quà cũ, bỏ tiệc sang để vượt “bão” kinh tế

Đối mặt với lạm phát và kinh tế bất ổn, người tiêu dùng Hàn Quốc đang thắt chặt chi tiêu trong Tháng Gia đình, thời điểm vốn được biết đến với những bữa tiệc hoành tráng và quà tặng đắt tiền, bằng cách mua đồ cũ, chọn quà thực tế và cắt giảm các khoản ăn uống xa hoa…

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...