EU-Nhật mong muốn làm rõ về chính sách thuế thép và nhôm mới của Mỹ

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc đối thoại với những người đồng cấp của Mỹ tại Brussels, Bỉ, với hy vọng làm rõ hơn các mức thuế mới đối với các mặt hàng nhôm và thép
EU-Nhật mong muốn làm rõ về chính sách thuế thép và nhôm mới của Mỹ

Trong ngày 10/3, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstroem và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Hiroshige Seko cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ tại Brussels trước thềm cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Các cuộc gặp đều trên chủ yếu tập trung thảo luận về các vấn đề đặc biệt khẩn cấp hiện nay trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng động thái mới đây của Tổng thống Trump có thể gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Trước đó một ngày, trả lời báo giới, bà Malmstroem đã khẳng định đối thoại luôn là lựa chọn hàng đầu của EU và Brussels hy vọng sẽ được miễn các biện pháp đánh thuế mới của Mỹ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cho biết Brussels muốn làm rõ cách thức mà các mức thuế mới sẽ được triển khai và khẳng định EU sẵn sàng tiến hành các biện pháp đáp trả quyết định trên của Tổng thống Trump.

Về phần mình, Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại tác động nghiêm trọng của các mức thuế mới của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới.

Cũng trong ngày 10/3, Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức Brigitte Zypries đã bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán tại Brussels trong cuối tuần này sẽ có thể giúp giảm căng thẳng leo thang dẫn tới một cuộc chiến thương mại giữa châu Âu và Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trên đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức, Bộ trưởng Zypries cho biết đến nay vẫn chưa có mức thuế nào được áp đặt và vẫn còn quá sớm để có thể nói về một cuộc chiến thương mại.

Theo bà, hiện Ủy viên châu Âu Malmstroem đang nỗ lực giải quyết những tranh chấp này thông qua các cuộc đàm phán.

Quan chức này cũng cho rằng quyết định áp thuế của Tổng thống Trump là vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đồng thời nhấn mạnh Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - để có thể đưa ra những phản ứng trả đũa thích hợp.

Trước đó ngày 8/3 vừa qua, bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và nghị sỹ, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.

Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch này.

Một số tổ chức thương mại trong nước đã lên tiếng phản đối cho rằng mức thuế mới sẽ đẩy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lên cao và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại trên diện rộng.

Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của hàng loạt quốc gia, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ, cũng như các tổ chức trên thế giới.

Nhiều chuyên gia nhận định nếu thực hiện kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm vào thị trường Mỹ, Tổng thống Trump sẽ "nổ phát súng" đầu tiên trong một cuộc chiến thương mại, điều sẽ gây phương hại cho quan hệ của chính Mỹ với các quốc gia đồng minh, cũng như làm suy yếu nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…