Sau cuộc họp mới đây, các nhà ngoại giao cấp cao từ Anh, Canada, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cùng đưa ra cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine cho tới "chừng nào cần thiết”. Đồng thời, họ cũng sẽ giải quyết những gì được gọi là thông tin sai lệch từ Nga nhằm đổ lỗi cho phương Tây về các vấn đề cung cấp lương thực trên khắp thế giới do các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Nhóm G7 cũng kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Moscow hoặc biện minh cho cuộc chiến của Nga, theo một tuyên bố chung.
Chìa khóa để gây thêm áp lực lên Nga là cấm hoặc loại bỏ việc mua dầu từ nước này, dự kiến sẽ đạt được thỏa thuận vào tuần tới tại châu Âu ngay cả khi, ở giai đoạn này, Hungary vẫn lên tiếng phản đối.
Tuyên bố chung của G7 cho biết: “Chúng tôi sẽ xúc tiến các nỗ lực của mình để giảm bớt và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt”.
Các bộ trưởng cho biết họ sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga, bao gồm các thành phần kinh tế, các tổ chức chính phủ trung ương và quân đội.
Cuộc họp vừa qua tại miền Bắc nước Đức có cả sự tham dự của ngoại trưởng Ukraine và Moldova, cũng làm nổi bật những lo ngại về an ninh lương thực cũng như khả năng cuộc chiến ở Ukraine có thể tràn sang nước láng giềng nhỏ hơn như Moldova.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, G7 sẽ làm việc để tìm ra các giải pháp hậu cần để đưa các mặt hàng lương thực quan trọng ra khỏi kho của Ukraine trước vụ thu hoạch tiếp theo.
Sự chú ý giờ đây chuyển sang Berlin khi các bộ trưởng gặp nhau vào cuối tuần qua với Thụy Điển và Phần Lan chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập liên minh xuyên Đại Tây Dương, thu hút các mối đe dọa trả đũa từ Moscow và sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO.