Gần 240.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong 8 tháng đầu năm

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đạt 227 đợt với tổng giá trị lên tới 215.583 tỷ đồng, cùng 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng...

Gần 240.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành trong 8 tháng đầu năm

Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa công bố báo cáo thị trường trái phiếu tháng 8/2024. Theo báo cáo, tính đến ngày 30/8/2024, đã có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 37.995 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 11.000 tỷ đồng trong tháng 8/2024.

Báo cáo từ VBMA tổng hợp cũng cho thấy, hầu hết tổ chức phát hành trong tháng 8 là các ngân hàng như HDBank, OCB, TPBank, VPBank, BIDV, Vietinbank, Agribank… Từ đầu năm đến nay, cũng đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ dành riêng cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mức lãi suất dao động từ 5,5% đến 6,5% một năm.

Cuối tháng 8, ngân hàng HDBank cũng vừa hoàn tất kế hoạch phát hành lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng ra công chúng. Lãi suất lô trái phiếu này bằng lãi tiền gửi 12 tháng tại các ngân hàng tham chiếu cộng biên độ 2,8%, với kỳ thanh toán đầu tiên dự kiến gần 7,5% một năm.

Tương tự, ngân hàng Agribank cũng đã phân phối thành công 10.000 tỷ đồng trái phiếu cho hơn 5.000 nhà đầu tư trong một tháng. Trong các năm tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2% một năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ lãi suất của trái phiếu lên tới 3% một năm.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã đạt 227 đợt với tổng giá trị lên tới 215.583 tỷ đồng, cùng 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2024-09-08 lúc 10.35.53.png
Nguồn: VBMA

Đáng chú ý, trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 11.023 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong phần còn lại của năm 2024, dự kiến sẽ có khoảng 105.945 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản, với tổng giá trị lên tới 43.352 tỷ đồng, chiếm 40,9%.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, thị trường cũng ghi nhận 10 mã trái phiếu chậm trả lãi với tổng giá trị 197,5 tỷ đồng và 1 mã trái phiếu chậm trả gốc trị giá 998 tỷ đồng.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 8 đạt 72.740 tỷ đồng, bình quân đạt 3.294 tỷ đồng/phiên, giảm 10,3% so với bình quân tháng 7.

VBMA cũng cho biết về kế hoạch phát hành trái phiếu của một số doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể, Hội đồng quản trị của Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 3/2024 với tổng giá trị tối đa 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, và lãi suất cố định 10,5%/năm.

Thêm nữa, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) dự kiến phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, chia làm 15 đợt với tổng giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, và không có tài sản đảm bảo. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 100 triệu đồng, với kỳ hạn tối đa 5 năm.

Trong báo cáo mới đây, FiinRatings nhận định, trái phiếu ngân hàng được kỳ vọng có một năm bận rộn hơn các năm trước. Giải ngân tín dụng sẽ được đẩy mạnh hơn trong nửa cuối 2024. Để đáp ứng tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn cổ phần hoặc vốn nợ, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, do các ngân hàng vẫn là nhà đầu tư chính của trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh pháp lý và chính sách hiện nay, việc đa dạng hóa hình thức cấp vốn cho các doanh nghiệp bởi ngân hàng cũng sẽ làm tiền đề cho sự tiếp tục hồi phục của trái phiếu.

So với gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng là 5,5 - 6%/năm như hiện tại, trái phiếu của ngân hàng là kênh đầu tư hấp dẫn hơn về lãi suất, tuy nhiên sẽ phù hợp với những người có dòng tiền nhàn rỗi trong dài hạn. Về phía ngân hàng, việc phát hành trái phiếu giúp họ đảm bảo được nguồn vốn trung dài hạn, qua đó đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

Ba động lực chính giúp VN-Index đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025

MSVN kỳ vọng VN-Index sẽ chạm mốc 1.500 điểm vào cuối năm 2025, nhờ vào sự bứt phá lợi nhuận 17,1% và thanh khoản thị trường cải thiện mạnh mẽ, các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và bán lẻ được dự báo sẽ đóng vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đà tăng trưởng này...