Giới nhà giàu Trung Quốc: Khi "Siêu du thuyền" bị ghẻ lạnh

Trong chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, những “biểu tượng của nhà giàu” trở thành thứ hàng hóa khó bán.
Giới nhà giàu Trung Quốc: Khi "Siêu du thuyền" bị ghẻ lạnh

Eric Noyel có một bí quyết đã khiến anh trở thành một chuyên gia môi giới siêu du thuyền tại Hong Kong. Nhưng có vẻ “bài” này của anh đã không còn hiệu nghiệm đối với giới siêu giầu Trung Quốc.

Một bữa tối được nhân viên của Noyel tại Asia Marine Yacht Services Ltd. chuẩn bị một cách tỉ mỉ tới từng chi tiết, bữa tối 7 món được phục vụ bởi đội đầu bếp trên tàu, dưới ánh nến huyền ảo, những chai rượu vang thượng hạng cùng tiếng đàn hạc được chơi live bởi một nghệ sĩ Trung Quốc có tiếng… trên chiếc du thuyền dài 24m (79 feet) mà Noyel đồng sở hữu, để tiếp đón một nhà tài phiệt người Trung Quốc. Người đã sở hữu một du thuyền sang trọng nhưng vẫn đang tìm kiếm một chiếc to hơn.

Bữa tối kỳ công ấy đã kết thúc… trong thất bại!

Việc tìm kiếm chủ nhân, cho ngay cả một du thuyền có kích thước khiêm tốn là gần như không thể ở Trung Quốc trong giai đoạn này. Chỉ có ba chủ sở hữu Trung Quốc được biết đến trong số 200 du thuyền lớn nhất được ghi lại bởi Boat International Media Ltd. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã xuất hiện nhiều tỷ phú hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Và họ cũng biết cách chi tiêu như bất kỳ các ông trùm dầu lửa Nga hay các ông chủ DN công nghệ tại Thung lũng Silicon. Họ đã mua các bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân, các CLB thể thao hay các sân golf... Nhưng không phải là các siêu du thuyền.

Một du thuyền dài ít nhất 24 mét (79 feet) và có một phi hành đoàn chuyên nghiệp đều được coi là siêu du thuyền. Nhưng đó mới chỉ là những “chú tí hon” với những chiếc siêu du thuyền thực sự tại Monaco hoặc Capri. Chủ tịch tập đoàn Oracle, Ell Ellison, có một sân bóng rổ trên chiếc thuyền được đóng thủ công dài tới 288 feet (gần 88m) của mình. Để phục vụ sân bóng rổ ấy là một chiếc thuyền máy luôn sẵn sàng để vớt những quả bóng lỡ rơi xuống biển. Tỷ phú Anh Joe Lewis, người sở hữu đội bóng Tottenham Hotspur, treo bộ sưu tập Francis Bacon trị giá 70 triệu USD trên chiếc siêu du thuyền Aviva dài 321 feet (gần 98m) của mình (vị tỷ phú này vừa có chuyên rong ruổi bằng chiếc Avia tới Việt Nam đầu tháng 5/2019)… Những chiếc siêu du thuyền tại đây có giá thấp nhất từ vài triệu USD đến 400 triệu USD (mức giá chiếc siêu du thuyền Luna của tỷ phú Nga Farkad Akhmedov trong cuộc chiến ly hôn với vợ).

Chưa đầy một thập kỷ trước, những nhà giàu mới nổi Trung Quốc dường như đã rất hào hứng, sẵn sàng tham gia thế giới của người giàu. Năm 2010, Hainan Rendez-Vous cuộc triển lãm hàng năm của du thuyền, máy bay phản lực tư nhân và xe sang được tổ chức tại Tam Á, trên đảo Hải Nam. Năm 2012, Hiệp hội Công nghiệp Du thuyền & Du thuyền Trung Quốc dự đoán sẽ có 100.000 con tàu hạng sang tại Trung Quốc vào năm 2020. “Thời gian đó, giới siêu giàu Trung Quốc đã khiến thế giới kính nể vì độ chịu chơi, vung tiền trên các sân golf và các showroom hàng xa xỉ. “Độ chơi” của họ gấp nhiều lần hiện tại” Delphine Lignières, Giám đốc điều hành của China Rendez-Vous nuối tiếc. “Họ vẫn có khao khát được thể hiện mình với thế giới. Nhưng tham vọng sở hữu những đồ vật “dễ bị nhìn thấy” như các siêu du thuyền đã bị triệt tiêu như một tác dụng phụ của chiến dịch chống tham nhũng tại quốc gia này”.

Ông chủ của các hãng du thuyền đã không lường trước được những hành động của ông Tập Cận Bình, người nắm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2012. ÔngTập đã mở ra một cuộc càn quét chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Hơn 100.000 Đảng viên Trung Quốc đã bị kỷ luật với rất nhiều tên tuổi lớn trong Chính quyền Trung ương và địa phương. Thời của sự thể hiện, của “những tay chơi Trung Quốc” đã qua. Những hình ảnh ăn chơi của giới nhà giàu Trung Quốc ở Hainan Rendez-Vous bị tờ Thời báo Hoàn Cầu gọi là “tội ác” khi “phô trương tài sản và ăn chơi sa đọa trong khi 200 triệu dân Trung Quốc còn đang sống trong nghèo đói”.

Gordon Hui, chủ tịch của Sunseeker Asia Ltd., chuyên kinh doanh thuyền buồm và du thuyền từ đầu những năm 2000, cho biết ông đã đóng cửa ba đại lý ở Trung Quốc kể từ vụ Rendez-Vous và không bán được bất cứ một du thuyền (để sử dụng ở Trung Quốc) kể từ năm 2015. Ông vẫn bán được một vài chiếc cho khách hàng, nhưng là để sử dụng bên ngoài Trung Quốc.

Trong thời buổi này, chơi Siêu du thuyền là một lựa chọn không khôn ngoan. Nếu họ mua bất động sản ở Mỹ, vàng hay đồ trang sức… sẽ chẳng ai biết. Nhưng một chiếc siêu du thuyền thì khác. Nó rất to, và nằm chềnh ềnh bên bờ biển” ông Fang Yuan, CEO của Heysea Yachts Group Ltd., một xưởng đóng tàu gần Chu Hải trên bờ biển phía nam Trung Quốc nhận định.

Để sở hữu và duy trì vận hành một một du thuyền ở Trung Quốc còn có thể là một cơn ác mộng vì những lý do khác. Các đô thị ven biển Đại lục thiếu các bãi sửa chữa, nhà cung cấp thiết bị và phần còn lại của mạng lưới hỗ trợ tốn kém mà các du thuyền tư nhân cần có. Rất ít bến du thuyền lớn tồn tại, vì vậy bất cứ ai xem xét việc sở hữu một chiếc thuyền sang trọng sẽ phải cân nhắc về việc neo đậu nó Hong Kong, Singapore hoặc Phuket, Thái Lan. Một số ông chủ Trung Quốc còn giữ tàu của họ ở xa như Địa Trung Hải.

Kể từ 2015, Trung Quốc đã hạn chế số lượng người trên du thuyền xuống còn 12 người, bao gồm cả thủy thủ đoàn, bất kể chiều dài thuyền. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đánh thuế nhập khẩu 44% và thuế bán hàng nội địa là 36,5%.

Và cũng không hề dễ dàng để có thể có được một thủy thủ đoàn đúng chuẩn. “Ở Pháp, người ta thậm chí có thể thực hiện những ca phẫu thuật từ nhổ răng đến mổ ruột thừa ngay trên tàu” Noyel, người đã gây dựng được tên tuổi trong ngành ở Thượng Hải chia sẻ. “Nhưng ở Trung Quốc, thuyền trưởng du thuyền cũng gần giống như một tài xế xe bus, văn hóa du thuyền chưa có ở đây”. Chỉ trong thời gian ngắn, Noyel đã phát triển rất mạnh ở Đông Nam Á, với văn phòng tại Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Asia Marine của Noyel đã hợp tác với Công ty du thuyền quốc tế Fraser ở châu Á vào năm ngoái và bán hai chiếc siêu du thuyền đầu tiên theo thỏa thuận này.

Bờ biển Trung Quốc là một nơi không thích hợp cho các du thuyền. Ở phía Bắc, tồn dư của thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và nước thải công nghiệp chảy theo nước sông gây ô nhiễm nước biển. Thanh Đảo, nơi tổ chức cuộc thi đua thuyền tại Thế vận hội Mùa hè 2008, cũng bị tảo xanh xâm chiếm. Ở phía nam, với khí hậu cận nhiệt đới, các hoạt động trên biển cũng rất dễ gặp phải các tàu tuần tra quân sự. Trung Quốc đã thực hiện yêu sách của mình đối với các vùng biển tranh chấp này bằng cách nạo vét cát sỏi và bồi đắp lên các rạn san hô để tạo ra các đảo nhân tạo, nơi được cho là sẽ dùng để đóng quân và chứa vũ khí.

He Xiaopeng, tỷ phú mới nổi sau khi phát triển trình duyệt web Trung Quốc là UC Browser và bán nó cho Alibaba vào năm 2014 tiết lộ, việc đầu tư vào mảng xe hơi chạy điện với công ty Xpeng Motors khiến anh không có thời gian để sử dụng chiếc du thuyền dài 86feet đang được neo tại Hong Kong của mình. “Tôi chỉ sử dụng nó một lần vào năm ngoái, bạn bè của tôi sử dụng nó nhiều hơn tôi”. Tuy nhiên, anh vẫn mơ ước được sở hữu một chiếc du thuyền được chế tạo cho những hải trình dài, giống như loại đồng sáng lập của Microsoft Corp, Paul Allen đã từng sử dụng để đi “săn” những con tàu đắm.

Trong giai đoạn “khó khăn”, các hãng đóng du thuyền cũng đang tự thay đổi để chiều khách hàng của mình. “Một lần, tôi đến thăm một chiếc du thuyền được bán 1 năm trước. Điều đáng kinh ngạc là chiếc nệm trong phòng ngủ vẫn còn bọc nguyên nilon. Không có ai ngủ ở đó trong vòng một năm! Thật không thể tin được” Fang Yuan, CEO của Heysea Yachts thốt lên. Điều này cho thấy một thực tế rằng các ông chủ Trung Quốc dường như chỉ sử dụng các du thuyền của mì nh như một nơi để tổ chức tụ tập bạn bè trên boong trong buổi chiều với rượu Mao Đài và chơi mạt chược. Họ trở về bờ khi màn đêm buông xuống mà không ngủ lại. Tất nhiên, các nhà sản xuất đã phát hiện ra điều này. Hãng tàu Ý Ferretti SpA, (được mua lại bởi Tập đoàn Công nghiệp nặng Shandong-Weichai vào năm 2012), đã nhanh chóng giới thiệu một dòng du thuyền có tên Tai He Ban, nơi phần lớn không gian ngủ được loại bỏ để nhường chỗ cho bàn tiệc và phòng karaoke máy lạnh.

Một trong số ít tỷ phú nhận giao siêu du thuyền ở Trung Quốc là Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm), người đã neo đậu chiếc du thuyền dài 95 feet của mình tại bến du thuyền mà Tập đoàn bất động sản Vạn Đạt của ông sở hữu tại Thanh Đảo. Ông đã đặt hàng chiếc du thuyền này sau khi công ty của ông, Đại Liên Wanda Group, đã mua 92% cổ phần của công ty đóng thuyền Anh Sunseeker vào năm 2013. Nhưng năm 2018, Wang đã bán tàu và bến du thuyền. Tập đoàn HNA Group Co. (Hainan Airlines Holding) của Trung Quốc, dưới sức ép từ chính phủ Trung Quốc cũng đã phải bán một chiếc siêu du thuyền dài 161 feet từng neo tại đảo Hải Nam vào tháng 1/2019 vừa rồi để thu hồi tiền mặt.

Tuy nhiên, vẫn có những khách hàng rất chịu chơi bất chấp hoàn cảnh. Trong một bữa tiệc đầu năm của nhóm Noyel, một cuộc so sánh về mức độ “vung tay” giữa một kỹ thuật viên ở Thung lũng Silicon, một quản lý quỹ và một người “giúp việc” cho một ông trùm bí mật ở Hong Kong. Người “giúp việc” đưa ra một bản liệt kê về khách hàng của mình: 60 chiếc xe hơi, một vài chiếc du thuyền. trong đó có 1 chiếc được sử dụng chỉ để du ngoạn trên các con kênh đào của Hà Lan…

Shao Huiliang, Giám đốc Pride Mega Yachts, một thương hiệu thuộc sở hữu của Tập đoàn Hàng hải Quốc tế Trung Quốc vẫn rất lạc quan. Pride gần đây đã cho ra mắt chiếc Illusion Plus – siêu du thuyền dài 290 feet, lớn nhất do Trung Quốc sản xuất từ trước đến nay với giá: 145 triệu USD. Shao vẫn còn nhiều dự định với lời hứa về các dự án bến du thuyền mới được chính phủ hỗ trợ ở Hải Nam và Chu Hải. Tuy không bến nào đủ lớn cho Illusion Plus, nhưng cũng chẳng vấn đề gì, vì Shao giữ nó ở Monaco.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…