Trong lưu ý gửi khách hàng, David Kostin đánh giá, đợt bán tháo gần đây là cái giá quá mức của việc tăng trưởng ngắn hạn chững lại. Theo vị chuyên gia trưởng này, thị trường chứng khoán bị bán tháo “quá đà” trong tháng 10 và sẽ được bù đắp phần nào khi các công ty mua lại cổ phiếu. Trong vòng 2 tháng tới, thị trường có thể tăng 6%.
“Diễn biến và động thái về việc lãi suất tăng của FED, kinh tế toàn cầu suy yếu cùng những bất an trong mùa báo cáo lợi nhuận đã khiến thị trường đi xuống trong vài tuần qua. S&P 500 đã giảm 9,3% từ mức đỉnh, Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh – tức đã giảm hơn 10%.
Tình trạng này lại xảy ra trong bối cảnh khá tốt. Tăng trưởng GDP quý III của Mỹ là 3,5%, theo số liệu sơ bộ công bố hôm 26/10.
Với 48% công ty trong S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận quý III đã tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, FactSet cho biết. Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về chặng đường phía trước, đặc biệt là về ảnh hưởng từ chính sách thuế quan và lãi suất tăng đến tăng trưởng.
Kostin nói một số lo ngại này là hợp lý. Ví dụ, Goldman Sachs cho rằng tăng trưởng GDP sẽ sớm nguội, thậm chí chỉ còn 1,9% vào quý IV/2019.
“Nhưng không phải tất cả đều chỉ ra một nguy cơ kinh tế suy thoái cận kề”, ông nói. Tín dụng doanh nghiệp cũng chưa mở rộng đến mức có thể tạo ra đợt giảm tốc lớn.
Các công ty đang không mấy hứng thú với mua lại nhưng việc này sẽ sớm xảy ra. Goldman Sachs dự báo tổng giá trị cổ phiếu mua lại trong năm nay lên tới 1.000 tỷ USD, giúp công ty này đạt mục tiêu S&P 500 2.850 điểm.
Kostin tái khẳng định khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục lựa chọn các công ty hàng đầu, nợ thấp, doanh thu ổn định và lợi nhuận tăng trưởng, ROE cao, ít nhạy cảm khi thị trường đi xuống.
Nhóm này thường diễn biến tốt khi kinh tế chững lại ở giai đoạn cuối của chu kỳ kinh doanh.
>> Chứng khoán lao dốc, Trung Quốc công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ