Google Store sẽ được đặt dưới văn phòng của Google ở khu vực Chelsea, New York. Một số mặt hàng được bán trực tiếp tại cửa hãng sẽ bao gồm điện thoại Pixel, sản phẩm Nest, thiết bị Fitbit và Pixelbook.
Tương tự như khái niệm Genius Bar của Apple, Google sẽ có các chuyên gia giúp khách hàng khắc phục sự cố, sửa màn hình Pixel bị nứt hoặc trợ giúp cài đặt. "Nhiều khách hàng vẫn muốn có cơ hội trải nghiệm phần cứng trước khi mua - và tìm hiểu cảm giác của nó, âm thanh như thế nào và trông như thế nào khi cầm trên tay hoặc trên bàn," công ty cho biết.
Google trước đây đã cho biết doanh số bán phần cứng của họ “lên tới hàng tỷ USD“, nhưng không công bố dữ liệu bán hàng cho các sản phẩm phần cứng của mình.
Trong những năm qua, Google đã mở các cửa hàng pop-up ở một số thành phố như New York, Chicago (Mỹ) và London (Anh), cho phép khách hàng xem và thử nghiệm cách sản phẩm, tham dự hội thảo và mua hàng. Một số cửa hàng pop-up trước đây của Google đã mang đến những sự kiện tương tác đầy thú vị, chẳng hạn như bức tường vẽ nguệch ngoạc (doodle wall) hay trò chơi Pac-Man được hiển thị trên màn hình khổng lồ.
Thông thường, Google dựa vào website của mình và các nhà bán lẻ khác như Best Buy và Amazon để bán sản phẩm. Trong khi Apple là một trong những minh chứng gặt hái được thành công lớn khi mở các cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới, một số công ty công nghệ khác lại gặp khó khăn. Microsoft đã mở rộng nỗ lực bán lẻ của mình trong những năm qua bằng cách ra mắt các cửa hàng đích - nơi mọi người có thể dùng thử dịch vụ, phần mềm và phần cứng của hãng. Nhưng vào mùa hè năm ngoái, công ty đã buộc phải đóng cửa tất cả 83 địa điểm Microsoft Store để tập trung nhiều hơn vào việc bán sản phẩm trực tuyến.