heo Japan Times, sau hơn bốn tháng thử nghiệm ban đầu kể từ tháng 3.2017, Grab đã chính thức mở rộng hoạt động tại Myanmar, tung ra các ứng dụng gọi xe đã được địa phương hóa với nhiều tính năng an toàn và công nghệ mới.
Hooi Ling Tan, nhà đồng sáng lập Grab, cho biết việc mở rộng công nghệ và hợp tác địa phương tại một trong những nước nghèo nhất Đông Nam Á như Myanmar sẽ giúp nâng cao chất lượng đi lại cho người dân, hỗ trợ chính phủ trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
Hiện tại có hơn 5.000 lái xe Myanmar đăng ký hoạt động trong mạng lưới của Grab. Theo Hooi Ling Tan, các lái xe của hãng cũng đã được tăng 30% thu nhập trung bình trong suốt giai đoạn thử nghiệm.
“Chúng tôi đã nhìn thấy được những kết quả tích cực tại thị trường này, bao gồm cả việc cải tiến các tiêu chuẩn dịch vụ giao thông cũng như hiệu quả vận chuyển”, bà Hooi Ling Tan nói.
Được biết, việc mở rộng dịch vụ mới tại Yangon gồm các chương trình chăm sóc lái xe địa phương, dịch vụ gọi xe suốt 24 giờ và mở rộng các điểm kết nối Grab Venue tại những trung tâm mua sắm lớn như Junction City mới mở ở Yangon. Các thiết bị đầu cuối cũng sẽ sớm được mở để cho phép những khách hàng không có điện thoại thông minh có thể truy cập, sử dụng dịch vụ.
Được thành lập vào năm 2012, Grab hiện đã hợp tác với hơn 1,1 triệu lái xe tại 65 thành phố trên khắp bảy quốc gia. Năm 2014, công ty đã nhận được khoản đầu tư 250 triệu USD từ SoftBank để đẩy nhanh hoạt động trong khu vực Đông Nam Á. Mới đây Grab lại được rót thêm 2 tỉ USD từ SoftBank và Didi Chuxing, đơn vị dẫn đầu trong thị trường gọi xe trực tuyến của Trung Quốc. Khoản huy động vốn này không chỉ giúp Grab tiến gần đến vị trí công ty khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á, mà còn gián tiếp giúp hai nhà đầu tư gây áp lực lên đối thủ Uber tại các thị trường từ Malaysia đến Thái Lan.
Theo Thanhnien.vn