Hàn Quốc tích cực cấp “visa VIP” cho nhân tài công nghệ

Hàn Quốc đang giới thiệu các chương trình thị thực mới nhằm thu hút nhân tài nước ngoài, đặc biệt hướng đến những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao như AI, công nghệ lượng tử và hàng không vũ trụ…

Hàn Quốc tích cực cấp “visa VIP” cho nhân tài công nghệ

Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã đưa ra thông báo về việc triển khai các chương trình thị thực (visa) mới nhằm thu hút và giữ chân nhân tài nước ngoài, với kỳ vọng nâng tổng số người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc lên 3 triệu người trong vòng vài năm tới.

Cụ thể, chính phủ nước này sẵn sàng cung cấp các loại thị thực “đặc biệt” dành riêng cho người nước ngoài đã học tập và làm việc tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và hàng không vũ trụ…

Chính sách thị thực ưu tiên sẽ bắt đầu có hiệu kể từ quý 1/2025.

Mục tiêu của chương trình là thu hút khoảng 100.000 chuyên gia nước ngoài tới Hàn Quốc trong vòng 5 năm tới. Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp, để thiết lập hệ thống thị thực “VIP”, cung cấp thêm nhiều quyền lợi, ưu tiên cho người sở hữu visa và gia đình của họ.

Người nước ngoài theo học tại hệ thống sau đại học ở Hàn Quốc, cũng như những người có thị thực chuyên môn từ E-1 đến E-7, sẽ được nới lỏng yêu cầu cho vợ/chồng của họ cư trú tại nước này.

Thông báo của Bộ được đưa ra khi số lượng người nước ngoài tại Hàn Quốc hiện chiếm gần 5% tổng dân số, tương đương 2,61 triệu người. Trong đó, khoảng 75%, tức 1,96 triệu người, đã cư trú tại Hàn Quốc hơn 90 ngày.

Vào tháng 7/2024, số lượng lao động nước ngoài có thị thực loại E đạt đỉnh ở mức 453.000, tăng vọt từ 322.000 vào năm 2022 và 291.000 vào năm 2021.

Hàn Quốc cũng sẽ có thêm một loại thị thực mới dành cho thanh niên đến từ các quốc gia đã tham gia Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng như các nước đối tác kinh tế lớn trong ngành bán dẫn và ô tô. Thị thực này sẽ cho phép họ làm việc tại Hàn Quốc, ngay cả khi mục đích đến ban đầu của họ là để tham gia các khóa học ngôn ngữ. Chính phủ dự định triển khai thị thực này vào quý hai của năm tới.

Các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là người nước ngoài, bao gồm cả thế hệ thứ hai của người nhập cư, sẽ được phép chuyển đổi sang thị thực làm việc, chẳng hạn như thị thực D-10 tìm việc hoặc thị thực E-7 cho các ngành nghề cụ thể, vào cuối năm nay. Hiện tại, họ chưa đủ điều kiện để xin các loại thị thực nêu trên trừ khi học thẳng lên đại học sau khi tốt nghiệp trung học.

Ngoài ra, thời hạn hiệu lực của thị thực D-10 sẽ được gia hạn từ 2 năm lên 3 năm. Thời gian thực tập tại các công ty nơi các học sinh tốt nghiệp trung học làm việc cũng sẽ được gia hạn từ 6 tháng lên 1 năm.

Hệ thống thị thực sửa đổi cũng sẽ cho phép học sinh tốt nghiệp trung học làm việc trong các ngành không đòi hỏi chuyên môn cao như sản xuất và nông nghiệp nếu họ đạt trình độ tiếng Hàn (Topik) cấp 3 trở lên. Các sửa đổi được đưa ra khi số lượng sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc tăng lên 228.000 vào tháng 7, cao hơn so với con số 191.000 vào năm 2022 và 149.000 vào năm 2020.

Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực hợp tác với các chính quyền địa phương nhằm thực hiện kế hoạch thị thực phù hợp với điều kiện từng khu vực, đặt mục tiêu giải quyết nguy cơ suy giảm dân số ở một số tỉnh thành và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bộ Tư pháp nước nay hiện còn xem xét kế hoạch công bố trước số lượng thị thực được cấp hàng năm dựa trên phân tích khoa học, nhằm đảm bảo rằng dòng lao động nước ngoài không ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội việc làm cho công dân Hàn Quốc.

Xem thêm

New Zealand thắt chặt các quy định về thị thực

New Zealand thắt chặt các quy định về thị thực

New Zealand tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định về thị thực, đưa ra thêm yêu cầu về ngôn ngữ và kỹ năng cũng như rút ngắn thời hạn giấy phép lao động để ứng phó với tình trạng “di cư ròng không bền vững”…

Có thể bạn quan tâm

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Nền kinh tế thú cưng 3.0 tại Trung Quốc

Ngành công nghiệp thú cưng tại Trung Quốc đang bước vào giai đoạn 3.0 với sự bùng nổ của các dịch vụ cao cấp như chăm sóc sức khỏe, phụ kiện cá nhân hóa và trải nghiệm độc đáo…

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Hermès vững vàng trước “sóng lớn”

Bất chấp bối cảnh thị trường đầy biến động, thương hiệu Pháp Hermès vẫn ghi nhận doanh thu quý 4/2024 tăng mạnh vượt dự báo và tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu trong ngành xa xỉ….

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Thuế quan có thể đẩy giá xe ô tô tại Mỹ lên cao

Người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ phải chi thêm hàng nghìn USD khi mua ô tô mới nếu kế hoạch áp thuế đối với Mexico và Canada của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi, theo dữ liệu từ ngân hàng Benchmark Co…

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Gen Z Trung Quốc vung tiền cho “tiêu dùng cảm xúc”

Người tiêu dùng trẻ tuổi Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng xu hướng mua sắm dựa trên cảm xúc, thúc đẩy một làn sóng chuyển dịch trong thái độ tiêu dùng và dự kiến sẽ sớm trở thành một điểm nóng đáng chú ý trong tương lai…

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Doanh nghiệp đường Thái Lan “gặp hạn” tại Trung Quốc

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu siro đường và bột pha sẵn từ Thái Lan, khiến hàng hóa bị mắc kẹt tại các cảng biển và có nguy cơ gây ra thiệt hại lên tới 1 tỷ baht (khoảng 29,5 triệu USD) cho các doanh nghiệp xứ Chùa Vàng…