Chương trình có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, đại diện hàng không, doanh nghiệp lữ hành, tập đoàn lớn.
Đây sẽ là giai đoạn tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu ban hành theo kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL của BVHTTDL phát động vào đầu tháng 5 (vừa qua bị gián đoạn do Covid bùng phát trở lại). Giai đoạn này, chương trình sẽ tập trung chủ đề Du lịch Việt Nam “an toàn” và “hấp dẫn”.
Chương trình là sự kiện mở đầu cho các sự kiện kích cầu tiếp theo, được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho ngành du lịch, duy trì phát triển du lịch nội địa, góp phần đưa hoạt động du lịch sôi động trở lại.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động từ tháng 5 đã đạt hiệu quả tích cực nhờ sự đồng lòng của địa phương, doanh nghiệp, báo chí.
Trong tháng 5, 6, 7 ngành du lịch nội địa phục hồi ngoạn mục thể hiện sự tích cực của chúng ta. Tuy nhiên, đến tháng 7 dịch bùng phát trở lại, ngành du lịch lại vấp phải khó khăn, du lịch phải dừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ song ngành du lịch cần tự nỗ lực, suy nghĩ tìm ra giải pháp đưa ngành du lịch phục hồi như đợt kích cầu lần một.
“Đợt kích cầu lần hai này, chúng ta đã có kinh nghiệm từ thành công và chưa thành công từ đợt trước. Hôm nay, chúng ta tham gia sự kiện này với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn" với có sự vào cuộc của tất cả các bên. Các bên cùng nỗ lực thì khó khăn mới được giải quyết” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.
Ông Hà Văn Siêu cũng cho rằng, trước nhu cầu của doanh nghiệp, kích cầu du lịch sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành cuối năm 2020. Chương trình kích cầu lần hai này, đảm bảo an toàn là trên hết. Các đơn vị đảm bảo du lịch an toàn, khách du lịch có ý thức rõ nét an toàn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh yếu tố hấp dẫn bên cạnh yếu tố an toàn. Do đó các địa phương cần phát huy chủ động, sáng tạo cùng nhau xây dựng gói kích cầu, chương trình du lịch hấp dẫn với nhiều gói sản phẩm mới. Ông Siêu cho biết, giai đoạn trước có những sản phẩm tốt nhờ liên minh các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Lần này, chúng ta cần phát huy, có liên minh để cho ra đời sản phẩm hấp dẫn, linh hoạt, đảm bảo dịch vụ hoàn hủy, tạo sự an tâm, tự tin cho du khách trong thời điểm tới.
“Diễn đàn cởi mở như hôm nay kỳ vọng sẽ có sự vào cuộc tích cực của các bên, chúng ta cùng nhau tìm ra đáp án tốt cho bài toán kích cầu. Hy vọng sau diễn đàn có sự gia tăng về khách hàng, tạo niềm cảm hứng đi du lịch cho du khách. Từ ngày 15/9, Việt Nam nối lại các đường bay quốc tế, khách quốc tế sẽ vào Việt Nam, ngành du lịch không chỉ hướng đến khách hàng nội địa mà còn hướng đến du khách nước ngoài trong đợt kích cầu này. Hy vọng chúng ta sẽ đạt kết quả tố” – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.
Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch - Tổng Cục du lịch cho biết ngày 18/9, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiếp tục phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa khi Covid-19 lần thứ hai được kiểm soát. Tuy nhiên, giai đoạn này, tập trung vào hai nội dung với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".
Thứ nhất, Bộ cần đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông các kênh địa phương. Cùng với gói kích cầu du lịch, truyền thông về du lịch an toàn cần thiết hơn. Như vậy, Bộ cần đảm bảo an toàn tại những đơn vị lữ hành, khu du lịch.
Thứ hai, Bộ yêu cầu tiếp tục có sự liên kết giữa các ngành cung cấp dịch vụ, có giá cả hấp dẫn để khác đi du lịch nhiều hơn. Các địa phương cần đẩy mạnh hình thức du lịch gần gũi thiên nhiên, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Bên cạnh đối tượng khách người Việt Nam, thời gian tới, các địa phương cần chú trọng tới khách nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Ông Đức cũng cho rằng các địa phương cũng cần phải giám sát chặt chẽ các hình thức du lịch, cạnh tranh lành mạnh, có chính sách hoàn hủy rõ ràng cũng như chủ động kiểm tra, xử lý các điểm đến vi phạm trên địa bàn. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần được nâng cao, cần ban hành chính sách miễn giảm phí.
An toàn: Người cung ứng dịch vụ và môi trường cung cấp dịch vụ từ vận chuyển, hàng không, lưu trú, khu vui chơi giải trí… phải tuân thủ các quy định về quy trình an toand phòng chống dịch. Đồng thời cả từ phía khách du lịch có ý thức chủ động phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cài đặt các ứng dụng như Bluzone.
Hấp dẫn: Hấp dẫn về giá do tính kết nối tốt giữa các liên minh kích cầu, tạo ra các sản phẩm du lịch bổ trợ, các tuyến du lịch với giá tốt; hấp dẫn về sản phẩm do tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng và đa dạng về chương trình kích cầu chi tiêu của khách, các sản phẩm nghỉ dưỡng, có lợi cho sức khoẻ, du lịch gofl và MICE; hấp dẫn về chính sách hoàn huỷ, hoán đổi linh hoạt để khách du lịch có thêm nhiều lựa chọn. Giai đoạn này kích cầu cần tập trung vào chất lượng, tăng trải nghiệm từ đó tăng nhu cầu chi tiêu của khách.