Theo lời giới thiệu, tôi tìm đến người tạo ra bộ áo dài đó, người vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến tà áo dài được các khách quốc tế trong đám cưới khen ngợi. Đó là Lê Minh Loan - người phụ nữ lặng thầm, đứng sau thành công của thương hiệu áo dài Quỳnh Anh, áo cưới Juliette Bridal, có tiếng đất Hà Thành.
Nói đến áo dài có vô số thương hiệu tên tuổi, nhưng áo dài có“chất riêng”, có linh hồn, tinh tế trong từng form dáng, tỉ mỉ trong từng họa tiết để tôn lên khí chất, thần thái của mỗi người thì phải nhắc đến Quỳnh Anh.
Không cầu kỳ trong quảng cáo, cũng chẳng phô trương trong tạo hình cửa hàng, nhưng nếu là người “sành” về áo dài, nhất là các nữ doanh nhân, chị em trung niên, ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận, thì đều đến với Quỳnh Anh.
Chị Loan - Người sáng lập thương hiệu Áo dài Quỳnh Anh
Tôi đến thăm cửa hàng trên phố Huế vào một ngày chớm hạ. Cái nắng đầu ngày chênh chếnh chiếu qua những tà áo mềm mại đung đưa, họa tiết lấp lánh thu hút ánh nhìn, nhưng điều hấp dẫn tôi lúc đó chính là những người phụ nữ bên trong: cặm cụi tô vẽ, đính đá, thêu hoa... để mỗi tà áo dài đều có vẻ đẹp riêng, không cái nào lẫn với cái nào.
Chị Loan chào chúng tôi bằng nụ cười rất duyên, rất riêng của người con gái xứ Huế. Khách vào tíu tít, chị ngắm nhìn, chia sẻ và tư vấn cách chọn cho phù hợp với từng người. Người phụ nữ tầm ngoài 30 tuổi, khi khoác lên người áo dài chị Loan chọn, chợt thấy như một người khác, xinh đẹp và dịu dàng hơn. “Một chiếc áo đẹp không chỉ tôn vinh cơ thể của người mặc, mà còn giúp họ tự tin tỏa sáng” - chị Loan vừa nói, vừa giúp khách hàng chỉnh trang lại.
Đôi tay thoăn thoắt, ánh mắt rực sáng của chị loan như truyền cảm hứng cho khách hàng, cho nhân viên, và cho chính tôi - những người yêu mến quốc phục dân tộc.
Từ kinh doanh... "ngày hạnh phúc"
Chị Loan hồi tưởng lại những ngày đầu chập chững vào nghề. Vốn dĩ chị không phải là người trong ngành như nhiều người lầm tưởng. là một cô gái gốc Huế, cộng thêm từ nhỏ được tiếp xúc với cách sống của người Hà Thành, với nét văn hóa Tràng An đậm đà bản sắc nên chị yêu cái đẹp, nhất là những bộ váy cưới se duyên hạnh phúc. Khi đó, chị gái của chị Loan có mở cửa hàng áo cưới trong TP HCM. Chị Loan vào giúp chị và cũng là để thoả mãn niềm đam mê của mình. Mỗi ngày tiếp xúc với các cặp đôi, chị chứng kiến được sự háo hức, mong ngóng và vẻ đẹp của cô dâu, chú rể trong ngày đặc biệt, khiến chị cũng như vui lây.
Rồi đến ngày, chị đem những điều đã học được tại thành phố phồn hoa vào bậc nhất đất nước lúc bấy giờ về Hà Nội. Thương hiệu Quỳnh Anh đã thành công của chị gái cũng theo chị. Cửa hàng đầu tiên mở vào năm 1988, tại Bạch Mai.
Hà Nội và TP. HCM vốn mang những đặc điểm khác nhau. Thế nên công việc kinh doanh “ngày hạnh phúc” của chị loan trong những ngày đầu lập nghiệp không dễ dàng. Để phù hợp với thị hiếu của người Tràng An nhưng vẫn hiện đại trẻ trung, sang trọng và thanh lịch, chị loan đã mò mẫm tự học hỏi, tìm kiếm những mẫu mới, chọn cái nào cho phù hợp. Chị đi Hồng Kông, Đài loan, đặt theo catalog những mẫu mới nhất với yêu cầu chỉnh sửa sao cho phù hợp với dáng người Việt. Có khi cả mấy tháng, chị ở bên đó tự tìm hiểu và học từ họ... “Các cụ ta nói đúng, khi con người có đam mê, có dũng khí và sự kiên nhẫn thì mài nên kim là đương nhiên"" - chị Loan đúc kết lại chặng đường khó khăn ban đầu.
Làm về trang phục cưới, chẳng thể thiếu được áo dài. Cô dâu cũng cần, và hơn hết là các bậc sinh thành nữa. Chị Loan nhận thấy một điều, áo dài vốn dĩ mang nét đẹp kỳ diệu dành cho người con gái Việt mà lúc ấy, dường như lại đang bị bỏ quên. Khi đã bước vào độ tuổi tứ tuần, thân hình không còn chuẩn “size” như thời con gái, “làm sao để che đi những điểm xấu, tôn vinh nét đẹp, làm sao để người mặc toát lên thần thái và khí chất vốn có cho phù hợp với hoàn cảnh xuất hiện” - đó là điều chị loan suy nghĩ, trăn trở và âm thầm tìm cách “trở lại” với áo dài. Nhất là khi chị tìm đến những nghệ nhân có bàn tay tài hoa mang đến những họa tiết tinh tế, thuần Việt mà vẫn cá tính nữa”. Và cũng bắt đầu từ đó, chị loan không chỉ đơn giản là kinh doanh áo cưới. Chị biết mình sẽ yêu mến, gắn bó với áo dài ngay từ lúc ấy...
“Các cụ nói đúng, khi con người có đam mê, có dũng khí và sự kiên nhẫn thì mài nên kim là đương nhiên - Chị Loan đúc kết lại chặng đường khó khăn ban đầu.
Đến những đại sứ văn hoá
Chị Loan không giấu nổi niềm tự hào khi tâm sự với tôi về những chiếc áo dài Quỳnh Anh đã vượt qua ranh giới quốc gia, đến với bà con Việt kiều tại nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, tại nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, các nữ doanh nhân cũng yêu thích áo dài của chị. Ngay tại Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc Vesak vừa qua, những tà áo dài Quỳnh Anh cùng các nữ quản lý của Vingroup tạo nên một dấu ấn: trang trọng, uy nghiêm, nền nã và có gì đó sâu lắng cho người mặc. Chị cho rằng: “Khi khách hàng ưng ý với áo dài mình làm ra, đó là một hạnh phúc. Nhưng khi áo dài không chỉ còn là trang phục nữa mà giúp tỏa sáng văn hóa Việt Nam, lại là một thành công mà ai cũng muốn đạt được".
Chị Loan cũng luôn trăn trở với câu hỏi rằng, kimono của Nhật Bản, hay hanbok của Hàn Quốc tính ứng dụng không cao bằng áo dài Việt Nam, nhưng họ lại tự tin đưa đến mọi nơi trên thế giới. Thậm chí tại nhiều khu du lịch, khu vui chơi người ta còn cho thuê những bộ trang phục ấy để chụp ảnh. Những lúc ấy, dường như ý thức dân tộc qua bộ quốc phục ấy được tôn vinh rất cao. Còn với chúng ta – áo dài Việt Nam có lợi thế là tôn vinh những nét đẹp của phụ nữ Việt như vóc dáng nhỏ nhắn, thanh mảnh nhưng chưa có nhiều người tự tin dùng trong sự kiện hoặc đơn thuần nghĩ rằng mặc váy sẽ thoải mái hơn.
“Chính vì vậy, việc của người tạo ra áo dài như mình phải làm là đưa tính ứng dụng vào trang phục. làm sao để người mặc vừa đẹp, vừa thoải mái di chuyển, hoạt động, tự tin trong mỗi lần xuất hiện trước đám đông. Điều này quan trọng từ mẫu mã, chất vải, và sự tỉ mỉ trong mỗi đường may...”- chị Loan chia sẻ.
Quỳnh Anh có xưởng may tại Huế với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Chị Loan cũng rất chịu khó tìm đến những loại vải đẹp và chất lượng cao cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Khi chất liệu tốt nhất cộng với bàn tay khéo léo nhất mới có thể cho ra những sản phẩm có giá trị. Chị Loan còn cất công tìm đến các làng nghề có các nghệ nhân thêu, đính kết, vẽ tay chứ không vẽ bằng máy... để thổi “hồn” cho những chiếc áo dài. Chị “chiêu mộ” những nhà thiết kế được đào tạo bài bản và có tâm với nét đẹp truyền thống, có kinh nghiệm trong việc ứng dụng mẫu vào từng khách hàng. Chỉ cần bắt gặp một chi tiết nào đó xuất sắc, đặc biệt, chị đều muốn làm bằng được, hoặc tìm mua về... “làm thời trang hay bất kỳ một ngành nghề nào đều cần sự bền bỉ và đặt cái tâm của mình trong đó”. Hơn nữa trong lĩnh vực thời trang áp lực về sự thay đổi phát triển rất lớn. Nhưng tin vào kinh nghiệm và định hướng đúng đắn của mình, chị vẫn từng ngày tích luỹ để phát triển – dù chậm một chút nhưng chắc chắn.
Tôi nhận thấy trong chị niềm yêu mến áo dài tha thiết. Tôi cũng ao ước mình có thể thoải mái, tự tin diện áo dài ở những sự kiện quan trọng của cuộc đời, chứ không phải ngại ngần. Và chính chị Loan cùng áo dài Quỳnh Anh cho tôi niềm tin rằng, ai cũng có thể mặc đẹp, ai cũng có thể tỏa sáng và yêu chính cơ thể của mình.
“Chị Loan cùng Áo dài Quỳnh Anh cho tôi niềm tin rằng, ai cũng có thể mặc đẹp, ai cũng có thể toả sáng và yêu chính cơ thể mình.
Thời khắc chuyển giao
Từ 15 năm về trước, chị đã dần chuyển giao quyền quản lý Quỳnh Anh cho con trai là anh Vũ Lê Hiếu. Hiện Quỳnh Anh chia thành hai mảng rõ rệt, áo dài và áo cưới với tên gọi khác nhau. Anh Hiếu cũng say mê thời trang, lại được đào tạo bài bản hơn mẹ nên niềm tin chị đặt ở con mình ngày càng tăng theo năm tháng. Sự trẻ trung, năng động, thức thời và những gì Hiếu được học sẽ là làn gió mới mang đến cho Quỳnh Anh sự tươi mới, phong cách và cách đi mới mẻ. Thế nhưng, chị Loan vẫn luôn đứng sau hỗ trợ, chỉ dạy anh Hiếu. “Âu cũng là cách để sống trọn với tình yêu suốt cuộc đời của mình là áo dài”- chị Loan chia sẻ.
Tôi là người may mắn khi dược chứng kiến Quỳnh Anh giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập áo dài dành cho mẹ mang tên “Thăng trầm” với sự thể hiện của NSƯT Chiều Xuân. Bộ sưu tập không chỉ nói lời cảm ơn đối với những người “mẹ” vĩ đại, mà còn là sự tôn vinh vẻ đẹp trong tâm hồn của những người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ, đó cũng chính là niềm cảm phục, tình yêu của Vũ Lê Hiếu dành cho mẹ - người đàn bà hết lòng vì gia đình, vì đam mê áo dài và biết cách truyền niềm đam mê ấy cho thế hệ sau.
Nếu đã có cơ hội được chiêm ngắm những bộ áo dài đó, tôi tin bạn cũng sẽ bị mê hoặc, bởi tất cả đều có “hồn”: hồn thiêng sông núi, dòng màu Lạc Hồng mấy ngàn năm lịch sử chảy trong huyết quản và mang hồn của những người con hiếu thảo với mẹ.
Tà áo dài ấy không chỉ là một sản phẩm thời trang mà là sự cô đọng của văn hoá, nghệ thuật và nhiều hơn thế nữa...
Bài: Trần Én
Ảnh: BST Áo dài của Thương hiệu Áo dài Quỳnh Anh
Người mẫu: Diễn viên Chiều Xuân
>> Nét xuân trong tà áo dài Việt!