Cuộc chiến giữa hai miền Nam – Bắc kéo dài ¼ thế kỷ, hàng triệu những người lính của hai chiến tuyến đối lập đã hy sinh, trận vong. Và còn nữa hàng trăm ngàn người dân thường của hai miền cũng ngã xuống vì bom rơi, đạn lạc… Mặc dù vết thương đã lành, vẫn còn dư âm, vẫn còn đó những nỗi đau cho những người ở lại, cho bên thắng, bên thua.
Nỗi đau không của riêng ai, của chúng ta, của người dân Việt Nam phải gánh chịu, trong đó có tôi, có bạn và hàng triệu gia đình Việt Nam. Thời gian qua mau, thời gian cũng sẽ làm nỗi đau phôi pha, nhiều người đã đi giữa chiến tranh, đi qua chiến tranh cũng đã trở về với cát bụi, về với tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng. Những người còn sót lại cũng đã bóng xế, chiều tà.
Hôm nay và ngày mai, là lớp hậu thế, là cháu, chắt. Họ đang sống trong thanh bình, họ chỉ biết và hiểu phần nào cuộc chiến qua sách vở, qua phim ảnh và nghe các cụ kể lại. Thời thế hôm nay đã khác xưa, người sống và người kế thừa vẫn phải sống, phải lo làm ăn, phải đối mặt với hiện tại và tương lai.
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất, nhiều miền quê ở miền nam Việt Nam, nơi ấy ngày xưa là chiến trường ác liệt, là bom rơi, đạn nổ, là người của hai chiến tuyến đối đầu kẻ chết, người sống. Tôi cũng đã dừng lại vào thắp hương ở những nghĩa trang liệt sỹ nơi qui tập, chôn cất hàng ngàn những người lính sinh ra trên đất Bắc, hy sinh tại đất Nam. Hàng ngàn nấm mộ có tên, và hàng ngàn nấm mộ không tên.
Tôi cũng đã đi tìm mộ người thân tôi, chú ruột tôi khi hy sinh tại mặt trận phía Nam (theo giấy báo tử) chú vẫn còn trẻ lắm, hy sinh khi mới 25 tuổi đời, chưa có người yêu, chưa một lần nắm tay bạn gái, và chắc rằng cũng chưa được hôn ai. Có thể trong những tháng ngày hành quân, hay dừng chân trong rừng rồi thả hồn tơ tưởng, mơ mộng đến ai đó ở quê nhà và gửi vội nụ hôn theo gió.
Tôi đã đến nghĩa trang Bình Long, tỉnh Bình Phước vào một buổi chiều trước ngày 30/4/2007. Dưới nắng chiều khô cháy, nghĩa trang rộng mênh mông, những ngôi mộ nằm san sát, phía trước tượng đài Tổ quốc ghi công là mộ có tên, hai bên và phía sau tượng đài Tổ quốc ghi công là mộ vô danh. Chú tôi cũng là một trong hàng ngàn ngôi mộ vô danh ấy. Tìm kiếm theo Thầy ngoại cảm chỉ dẫn và mách bảo, cuộc hành trình tìm người thân trong mong mỏi, trong tuyệt vọng và trong nghi ngại là dưới phần mộ này có phải là thân nhân của mình, dưới phần mộ này có còn hài cốt hay một chút gì đó lưu giữ về người thân. Hay cũng chỉ là mộ gió - ngôi mộ vô danh.
Chiều rơi, chuồn chuồn kéo về nghĩa trang chúng bay lượn rợp trời, bay trên cao, bay dưới thấp và bay quanh những ngôi mộ, chúng nhiều vô kể, có hàng vạn con. Chẳng biết có phải chúng thấy mùi thơm của hương trầm và hoa quả, trái cây mà kéo đến. Hay chúng là những linh hồn đang hiển linh nơi đây để xem kẻ đến viếng các mộ liệt sỹ có phải là người thân của mình.
Một mình tôi lầm lũi đi trong nghĩa trang, phía xa là cậu lái xe ngồi thu mình ngoài cánh cổng. Chiều tắt, cũng là lúc tôi cắm hết những cây hương trên những ngôi mộ xung quanh, tôi biết với sức của một mình thì không thể cắm hết được cho tất cả cách anh hùng liệt sỹ có tên và không tên trong nghĩa trang Bình Long rộng lớn này, chỉ đành lòng cắm những cây hương thơm mà mình mang theo.
Lần cuối, tôi đứng dưới tượng đài Tổ quốc ghi công, hai tay chắp trước ngực, nhắm mắt và nguyện cầu. Cầu xin ngủ yên những linh hồn đã khuất trong nghĩa trang này, có thể có chú ruột của tôi là Nguyễn Xuân Tư đã hy sinh năm 1967!
Cầu xin ngủ yên những linh hồn đã khuất, cầu xin những linh hồn của cả hai chiến tuyến yên nghỉ, xin quên đi thù hận, xin cho nước Việt mãi mãi thanh bình, xin cho những người còn ở lại sau chiến tranh và những thế hệ kế tiếp được ấm no, hạnh phúc và tự do.
Chuyện dài về tìm mộ người thân là liệt sỹ, mà người viết đã trải nghiệm.
Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc,
Chủ tịch Công ty CP&PT Đại Sơn