Lợi nhuận giảm tốc, cổ phiếu ngân hàng vẫn đáng để đầu tư

Mức định giá của cổ phiếu ngân hàng hiện đang tương đương vùng đáy tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) cho hay, đợt sụt giảm gần nhất của thị trường đưa giá cổ phiếu ngân hàng về vùng hấp dẫn.

Cụ thể, tại 23/11/2022, ngành ngân hàng đang được giao dịch ở P/E là 7,1 lần và P/B là 1,3 lần, tương đương với vùng đáy Covid-19 đợt 1 vào tháng 3/2020. Mức định giá này hấp dẫn hơn lần lượt 38,1% và 29,6% so với trung bình lịch sử giai đoạn 2010-2020.

Với mức định giá đang ở mức rất thấp, cổ phiếu ngân hàng sẽ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn. Thậm chí, trong ngắn hạn, các thay đổi về chính sách và tình hình vĩ mô diễn biến theo hướng tích cực hơn sẽ cũng là những chất xúc tác cho giá cổ phiếu ngành ngân hàng hồi phục.

P/E và P/B của ngành ngân hàng
P/E và P/B của ngành ngân hàng

Tuy nhiên, ACBS cũng lưu ý, tiềm năng của cổ phiếu ngân hàng sẽ không đi cùng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại kể từ quý 4/2022 bởi 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thu nhập ngoài lãi sẽ chậm lại theo khó khăn chung của thị trường bất động sản và chứng khoán. Trong đó, thu nhập từ mảng môi giới và dịch vụ ngân hàng đầu tư chịu tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Còn thanh khoản thị trường bất động sản bị tắc nghẽn gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thanh lý tài sản thế chấp là bất động sản để thu hồi nợ ngoại bảng.

Thứ hai, mặc dù quỹ dự phòng của các ngân hàng đang khá dày và chất lượng tài sản tương đối ổn nhưng bắt đầu suy giảm. Nợ xấu sẽ tăng hơn khi các động thái kiểm soát tín dụng khiến các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng niềm tin đối với kênh trái phiếu doanh nghiệp khiến kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản bị tắc nghẽn. Các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với áp lực thanh toán khi trái phiếu đáo hạn và áp lực mua lại trái phiếu trước hạn để hạn chế rủi ro pháp lý.

Thứ ba, tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%. Vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. So với thời điểm đầu năm, lãi suất huy động đã tăng 2 điểm phần trăm ở các ngân hàng quốc doanh lớn và tăng 3-4 điểm phần trăm ở các ngân hàng tư nhân nhỏ. Như vậy, chi phí vốn chắc chắn tăng theo.

cổ phiếu ngân hàng
Chỉ số tài chính quý 3/2022 của một số ngân hàng.

Thứ tư, chi phí hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là chi phí cho nhân viên sẽ tiếp tục tăng lên do xu hướng chuyển đổi số khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ và thu hút nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phân tích dữ liệu. Đặc biệt, việc giảm lãi suất cho vay trong 2 tháng cuối năm 2022 để hỗ trợ nền kinh tế của Vietcombank và HDBank cũng sẽ tác động tiêu cực nên NIM của các ngân hàng này trong quý 4.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu tại ACBS, các rủi ro trên sẽ được giảm dần. Và lợi nhuận ngân hàng sẽ bắt đầu tăng tốc trở lại kể từ tháng 6/2023.

Có thể bạn quan tâm