Lợi suất trái phiếu “hạ nhiệt” giúp Phố Wall tránh giảm sâu, giá dầu đi xuống

Chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch gần như không có thay đổi, xóa bỏ được đà giảm ban đầu, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm nhẹ sau tin tức Hạ viện thông qua dự luật thuế và chi tiêu của Tổng thống Donald Trump…

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 1,35 điểm xuống 41.859,09 điểm, S&P 500 mất 2,60 điểm (-0,04%) còn 5.842,01 điểm; còn Nasdaq tăng 53,09 điểm (+0,28%) lên 18.925,74 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, có 8 lĩnh vực “đỏ lửa”, điển hình là tiện ích, y tế, năng lượng và hàng tiêu dùng thiết yếu. Ngược lại, tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông và công nghệ ghi nhận đà phục hồi.

Loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như Nvidia, Amazon và Tesla đều tăng giá. Cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) thêm 1,3% sau khi chạm mốc đỉnh gần ba tháng. Trong khi đó, Apple trượt 0,36%.

Cổ phiếu công ty điện toán đám mây Snowflake leo vọt hơn 13% khi doanh nghiệp nâng dự báo doanh thu sản phẩm cho năm tài chính 2026.

Cổ phiếu Analog Devices lại giảm 4,6% mặc dù kết quả kinh doanh quý vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Nhiều công ty năng lượng mặt trời, ví dụ như First Solar, đã lao dốc do có thông tin cho rằng dự luật thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chấm dứt một số chính sách ưu đãi đối với năng lượng xanh.

Tổng khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,09 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 17,56 tỷ cổ phiếu của 20 phiên vừa qua.

Tại Mỹ, những lo ngại gần đây về thâm hụt ngân sách liên bang đã đẩy lợi suất trái phiếu tăng cao, gây áp lực lên Phố Wall. Tuy nhiên, lợi suất dài hạn đã “hạ nhiệt” vào cuối phiên 22/5, giúp thị trường phần nào ổn định trở lại. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hạ 5,4 điểm cơ bản xuống còn 4,543%, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2 vào phiên trước.

Cũng trong ngày 22/5, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật thuế mới của Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ sít sao. Dự luật này hiện thực hóa nhiều cam kết tranh cử của ông Trump, nhưng dự kiến có thể khiến nợ công, đang vào khoảng 36,2 nghìn tỷ USD, tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO).

“Thị trường không ưa sự bất định và hiện chúng ta vẫn đang bị đè nặng bởi các yếu tố như thuế quan và thị trường trái phiếu”, ông George Young, đối tác và giám đốc danh mục đầu tư tại công ty Villere & Co nhận định.

GIÁ DẦU TRƯỢT GIẢM

Trên thị trường năng lượng, giá dầu trượt giảm trong phiên khi giới đầu tư phản ứng với thông tin OPEC+ đang xem xét kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 7, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung có thể vượt quá nhu cầu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,72%, còn 64,44 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 37 cent, tương đương 0,6%, còn 61,20 USD/thùng.

Theo Bloomberg đưa tin, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, gọi chung là OPEC+, đang cân nhắc một đợt tăng sản lượng đáng kể. Một trong những phương án đang được bàn thảo là tăng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 7, dù hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

“Những đồn đoán về OPEC+ là yếu tố lớn nhất chi phối thị trường hôm nay. Quyết định sắp tới của OPEC+ sẽ mang tính then chốt và việc Kazakhstan không hoàn thành chỉ tiêu trong tháng trước càng khiến tình hình thêm phức tạp”, ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital cho biết. Theo một nguồn tin trong ngành, sản lượng dầu của Kazakhstan đã tăng 2% trong tháng 5.

Trước đó, tờ Reuters tiết lộ OPEC+ đang có ý định nới lỏng việc cắt giảm sản lượng và có thể đưa trở lại thị trường tới 2,2 triệu thùng/ngày vào tháng 11. Tổ chức này hiện đang trong quá trình gỡ bỏ dần các giới hạn sản lượng, với mức bổ sung dự kiến trong tháng 5 và tháng 6.

Ngoài ra, giá dầu cũng bị ảnh hưởng bởi báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cho thấy tồn kho dầu thô và nhiên liệu của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, khi lượng dầu nhập khẩu đạt mức cao nhất trong sáu tuần, còn nhu cầu xăng và chưng cất lại giảm.

Có thể bạn quan tâm