Những việc làm của chị - từ hoạt động kinh doanh, đối nhân xử thế với người lao động, với con cái, người thân và với những cảnh đời khó khăn … đều thấm đẫm hai chữ “nhân văn”.
NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ
Ngày mà chị nhắc đến đầu tiên chính là ngày sinh nhật chị. Cái ngày mà mỗi chúng sinh cất tiếng khóc chào đời luôn chứa đựng nhiều tâm tư nhất. Ta là ai? Từ đâu đến? Ta đã làm gì cho cuộc đời này?.. luôn là những câu hỏi được lặp đi lặp lại trong tâm trí nhiều người vào mỗi dịp sinh nhật.
Để ngày này trôi đi lặng lẽ trong những niềm trăn trở riêng hay tổ chức sự kiện kỷ niệm nó bằng bữa tiệc to nhỏ với những ngọn nến lung linh… là lựa chọn của mỗi người. Với chị Liên thì hoàn toàn khác. Chị kỷ niệm ngày thiêng liêng này chẳng giống ai.
“Đó là một ngày tôi đến với những phận đời gian khó. Tôi mang quà tặng họ. Tôi luôn có mối đồng cảm đặc biệt với những người phụ nữ khuyết tật sống đơn thân. Phụ nữ đã là một đối tượng yếu thế trong xã hội phương Đông, lại có khiếm khuyết về cơ thể, sức khỏe và lại còn đơn thân nữa thì chịu rất nhiều đớn đau, thiệt thòi. Một phần vật chất giúp họ tuy không lớn nhưng lại là bệ đỡ tinh thần cho họ rất nhiều, để họ tự tin hòa nhập cuộc sống”, chị chia sẻ.
Chị có ba người con đều thành đạt và hiếu thảo. Con gái đầu đang làm việc ở Mỹ; con trai thứ hai là kiến trúc sư, có công ty riêng ở TP.HCM; con trai thứ ba sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành logistic ở Australia, làm việc cho 1 công ty Đan Mạch 7 năm, có kinh nghiệm rồi về Việt Nam mở công ty riêng ở TP.HCM.
Đến dịp sinh nhật mẹ, nếu các con chị vì bận công việc không thể về được thì gửi tiền về để mẹ tổ chức sinh nhật. “Tôi mua bánh gato, đốt nến, hoa quả…, mời vài người thân đến chung vui rồi chụp ảnh gửi cho con, để nó yên tâm là mẹ có bữa tiệc sinh nhật ấm áp. Số tiền còn lại tôi đem chia hết cho những người nghèo, phụ nữ khuyết tật đơn thân. Làm như vậy, tôi cảm thấy rất ấm lòng trong ngày sinh nhật của mình”, chị kể mà mắt lấp lánh niềm vui.
Ngày thứ hai đáng nhớ chính là ngày giỗ chồng chị. Thay vì than khóc nhớ thương, ngậm ngùi về thân phận và sự đơn côi của mình, chị mang quà đến cho người nghèo. Không thể không nhắc đến mối bận tâm nhất của chị - người phụ nữ có trái tim nhân hậu, ấm áp – với những phụ nữ đơn thân, khiếm khuyết về cơ thể…
Có thể lý giải điều đó khi biết rằng, chị từng có một mái nhà yên vui, một bờ vai vững chắc để tựa vào nhưng rồi cơn bạo bệnh đã cướp đi chồng chị, để lại trong chị khoảng trống vô tận với những tan nát, khổ đau khiến chị tưởng như không thể gượng dậy nổi.
Những năm đầu thiếu bóng anh, Tết đến là những ngày mà chị càng thấm thía nỗi buồn sâu sắc nhất. Khi đến với những hoàn cảnh đặc biệt khó, hiểu thấu những số phận người khổ đau hơn mình, chia sẻ được với họ một phần vật chất và an ủi họ về tinh thần, chị thấy khoảng trống trong lòng mình như được lấp đầy hơn.
Ngày thứ ba chính là dịp Tết Nguyên Đán. Với mỗi người Việt Nam, đây là ngày thiêng liêng nhất trong năm - ngày mà trời đất giao hòa, tiễn năm cũ với những nỗi buồn, niềm vui đã đi qua; ngày mà người ta tràn trề hy vọng về một năm mới với nhiều niềm vui mới.
Nhưng, với người nghèo khổ, Tết có khi không phải là niềm vui mà là một nỗi ám ảnh đáng sợ về sự thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Khi ấy thì chị xuất hiện. Một phần quà, khoản tiền mặt và một vòng tay ôm sưởi ấm tâm hồn nhau giữa người cho tặng là một phụ nữ đã kinh qua khổ đau cùng cực và người nhận là những người nghèo khổ, có cuộc đời dài như dòng nước mắt.
Nhân viên và những người quen biết chị đều nói “Tết đến, bả toàn lo cho nhân viên có một cái Tết tươm tất, đến những người có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều khi bả quên mất là mình cũng cần phải ăn Tết. Nhưng may là bả có con cái thành đạt, lại xúm vào thu vén cho cả nhà có được cái Tết yên vui”.
CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI
Thường thì không ít người sống trong nhung lụa, chưa bao giờ biết đến thiếu thốn, có cái nhìn thiếu đa chiều về xã hội, con người sẽ khó có thể thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những cảnh đời gian khó.
Ngược lại, những người đã trải qua gian khó, thiếu thốn và khổ đau sẽ dễ đồng cảm hơn với những phận đời thiệt thòi. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Kim Liên đã trải qua tất cả những cung bậc của sự sung sướng tận cùng và khổ đau cũng tận cùng. Chị sinh ra và lớn lên trong sự đầy đủ, bình yên trong một gia đình khá giả ở cố đô Huế.
Chị học sư phạm văn, tâm hồn mướt mát những áng văn áng thơ và rồi hạnh phúc với sự nghiệp trồng người. Một cô giáo viên dạy văn - say mê, lãng mạn, dễ rung động dễ yêu thương cũng dễ đồng cảm với những phận người. Khi có gia đình, chị vẫn là “nàng thơ” của người đàn ông mạnh mẽ và có một tâm hồn hướng thiện, trái tim nhân hậu.
Chị là người phụ nữ của gia đình, là hậu phương vững chắc của chồng chị - người sáng lập ra Công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Ân Điển. Là giáo viên dạy văn, một sự ngẫu nhiên nào đó đã dẫn chị chuyển sang làm việc ở Cảng Đà Nẵng rồi nghe lời chồng, chị về Công ty Ân Điền làm việc, thu vén tài chính cho công ty.
Công ty Kinh doanh tổng hợp Ân Điển là công ty chuyên kinh doanh săm lốp ô tô, bình điện, mâm xe, tất cả các dịch vụ dành cho xe ô tô. Hiện nay, công ty đang là đại lý phân phối lốp ô tô cho các hãng lớn trên Thế giới như: Michelin (Pháp), BST (Nhật) + Goodyear (Mỹ) và Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC)… Công ty Ân Điển cũng mới được hãng Michelin trao giấy chứng nhận Car Service 3 - Trung tâm dịch vụ dành cho ô tô Michelin đạt chuẩn.
Chị bảo, dù có làm gì thì sự nghiệp chính của chị vẫn là làm mẹ. Nghe những gì chị kể, tôi nhớ đến bà mẹ Do thái – tác giả cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương”, lại nhớ đến những bài học dạy con của ông Vua dầu mỏ Rockefeller.
Họ là những người cha, người mẹ cực kỳ nghiêm khắc trong việc dạy con khôn lớn – với một thái độ tưởng chừng như “không khoan nhượng” với những khiếm khuyết, lỗi lầm nhưng lại vô cùng bao dung, che chở, kịp thời khuyến khích những thành tích đạt được của con cái. Không chỉ có vậy, người phụ nữ đầy chất văn chương này còn dạy con lòng nhân hậu, biết thế nào là “bát cơm sẻ nửa, một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Từ khi bọn trẻ còn rất nhỏ, hai vợ chồng chị đã đưa chúng theo mình vào bệnh viện để phát cháo từ thiện cho bệnh nhân.
“Tôi thấm một điều: Khi mình cho đi, giúp đỡ người khó, đến một lúc nào đó chính mình sẽ nhận lại một sự giúp đỡ đầy ân tình. Có lần cậu con trai thứ hai của tôi bị tai nạn trên đường. Vợ chồng tôi đang ở Huế, nghe tin, chúng tôi tức tốc chạy từ Huế về Đà Nẵng, đến thẳng bệnh viện và thấy cháu đã được các nhân viên y tế chăm sóc thật chu đáo. Nghe kể, lúc người ta đưa cháu vào bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ và nhân viên y tế nhận ngay ra thằng bé thường theo ba mẹ vào phát cháo từ thiện cho bệnh nhân, họ tiến hành cứu chữa cho cháu một cách nhanh chóng, không cần thêm chi tiết gì khác. Một câu chuyện nữa: Giữa lúc dịch covid hoành hành căng thẳng nhất ở TP.HCM, con trai lớn của tôi bị dính Covid - 19, tình trạng rất nguy kịch. Cậu em chạy vạy khắp nơi để tìm kiếm oxy (lúc đó cả thành phố đang vô cùng căng thẳng về nguồn cung cấp oxy). Thế rồi những người quen biết và các nhân viên y tế đã kịp thời cứu được con trai tôi trong tình trạng mười phần còn một. Đó là phước lớn mà ông bà tổ tiên đã để lại cho gia đình tôi nhưng có thể cũng là một sự “nhận lại” khi mà gia đình tôi biết “cho đi”, chị nói.
CHIA SẺ ÂN TÌNH, NIỀM VUI CÒN MÃI
“Chị có thể kể, vì sao kinh doanh là lĩnh vực xa lạ với chị, thế mà chị lại là người chèo lái doanh nghiệp Ân Điển, trong một lĩnh vực chả có tý chất phụ nữ, lại là người phụ nữ của văn chương tý nào?”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, chị Liên cười nói: “Rất nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi đó. Tôi thì cho rằng, con người luôn có một khả năng tiềm ẩn nào đó, có thể biến cái không thể thành cái có thể. Gần 20 năm trước, chồng tôi mắc bạo bệnh và qua đời sau nhiều tháng chữa trị không thành. Tôi liên tục bị những cú sốc dập vùi, tưởng chừng không thể vượt qua. Ân Điền có nguy cơ phá sản mà tôi thì nằm bẹp trên giường vì tâm bệnh. Được người thân, bạn bè động viên, nghĩ đến con cái, đến sự nghiệp dở dang của chồng, đến mấy chục con người đang lâm vào cảnh mất việc vì công ty không ai chèo lái, đang trên đà phá sản… tôi hồi dần và rồi từng bước tiếp quản Ân Điển. Tôi phải học từng việc một trong lĩnh vực quản trị, kinh doanh săm lốp ô tô, bình điện, mâm xe, tất cả các dịch vụ dành cho xe ô tô. Tôi nói với các nhân viên: “Cô dốt về kế toán, con số nhưng cô có thể thuê người giỏi về kế toán kiểm tra các con số cho cô. Các em hãy làm thật tốt, cô sẽ không phụ lòng”. Thẳng thắn mà nói, tôi không giỏi về quản trị vì tôi xuất thân là một cô giáo dạy văn. Tôi cũng không giỏi về kế toán và ở tuổi 48 (khi tiếp quản công ty của chồng), tôi không thể đi học được, lại đang vật lộn với một công ty đang trên đà phá sản. Nhưng, tôi có kỹ năng quản trị mềm – bằng tình cảm, niềm tin cũng như sự chia sẻ quyền lợi hợp lý”.
Nghe chị nói đến đây, ngay lập tức tôi nghĩ đến những doanh nghiệp sừng sỏ mang tầm cỡ quốc tế của Nhật Bản. Họ có cách quản trị duy lý theo kiểu phương Tây lại duy tình theo kiểu phương Đông. Họ có những cỗ máy hoạt động một cách chính xác đến từng milimet và họ cũng có những con người đầy lòng tự trọng, tình cảm sâu sắc với doanh nghiệp (thậm chí đời con, cháu nối tiếp đời ông, bố) vận hành những cỗ máy đó.
Ân Điển của chị Liên dẫu không so sánh được với các tập đoàn lớn của Nhật Bản về tầm vóc nhưng về góc độ nhân văn, quản trị bằng kỹ năng mềm cũng có nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ.
“Hồi mới tiếp quản Ân Điển, tôi làm việc 16 tiếng/ngày. Tôi vừa là thủ kho, kế toán, thủ quỹ, makerting… Các nhân viên là người làm công, không thể bắt họ lăn như bóng, giống mình. Nhưng, mình phải lo đủ việc làm cho họ, lo cho đời sống của họ, biết tặng cho họ những phần thưởng xứng đáng khi họ làm việc tốt, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Mỗi dịp cuối năm - tổng kết năm cũ và đón Tết Nguyên Đán, tôi phải nghĩ đến họ trước, lo cho họ đầy đủ rồi mới dám nghĩ đến gia đình mình. Trong công ty, tôi thường coi người lao động như thành viên của gia đình, buồn vui sẻ chia, khó khăn cùng khắc phục. Có lẽ vì thế mà người lao động trong công ty nhiều năm vẫn gắn bó với Ân Điển”, chị chia sẻ.
Tôi cũng nghe được một câu chuyện kể: Chị từng mai mối hôn nhân cho một cô trợ lý của chị với một cậu thủ kho của công ty. Nhiều người ái ngại, nghi ngờ… nhưng chị vẫn đặt ở họ niềm tin. Sau chị bỏ tiền làm đám cưới cho họ, lại lo cả chỗ ở tại ngôi nhà cũ của chị. Thời gian sau, chị mua tặng họ một lô đất, đôi vợ chồng trẻ cũng xây được một ngôi nhà khang trang trên nền đất đó.
Nghe tôi hỏi về câu chuyện ấy, chị cười xác nhận: “Đúng là như vậy. Nhưng tôi cũng giúp những anh chị em khác trong công ty. Ai cần, tôi vẫn cho họ vay tiền mua xe, xây nhà… Họ có động lực nên tận tâm làm việc, có thành quả. Tôi trao cho họ những phần thưởng và họ lại có điều kiện để trả nợ. Tôi cũng lập ra một số cửa hàng và trao cho các em tự vận hành. Tôi bảo: “Có cửa hàng, kho chứa, tệp khách hàng có sẵn, có uy tín của Ân Điển nên khi các em gọi lấy hàng, nghe tiếng Ân Điển là nhà cung cấp họ chuyển hàng tới ngay. Mọi thứ thuận lợi như thế, nếu không làm được nữa thì chỉ có thể về nhà đắp mền đi ngủ”. Các em nghe vậy thì cảm kích lắm và tiếp tục tận tâm, tận lực với công việc”.
Nhiều năm nay, Ân Điển được coi là “bà đỡ” cho những người khuyết tật. Họ được làm việc và nhận quyền lợi như người bình thường.
“Công ty hiện có 20 người lao động thì có tới 6 người khuyết tật. Dù khuyết tật nhưng các cháu cũng có ước mơ, có hoài bão và hơn hết là sự cố gắng cùng nghị lực sống, quyết tâm hoàn thành tốt mọi công việc để khẳng định bản thân mình. Trong kế hoạch phát triển doanh nghiệp, tôi vẫn sẽ tiếp tục nhận thêm người khuyết tật vào làm việc tại Ân Điển, tạo cuộc sống cho họ và đỡ gánh nặng cho xã hội”, chị Liên chia sẻ.
Chia tay chị, chia tay căn phòng tiếp khách của Công ty Ân Điển, nơi trưng bày rất nhiều mẫu bánh xe và các phụ kiện ô tô nổi tiếng của Việt Nam và thế giới, tôi cứ mang cảm giác, người phụ nữ nhân hậu, giàu cảm xúc này đang cưỡi trên một con xe phân khối lớn. Ở tuổi không còn trẻ, chị vẫn lao về phía trước với những khao khát làm được những gì tốt đẹp nhất cho đời. Thời gian không chờ đợi và như chị nói “Mọi thứ rồi cũng qua đi, chỉ có tình người ở lại”.