Cụ thể, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP cho biết vào đầu năm 2020, khu vực Mỹ Latin có tổng cộng 76 người có tài sản vượt mức 1 tỷ USD và đến tháng 5/2021 đã tăng lên 107 người. Khoảng 75% số tỷ phú Mỹ Latin có quốc tịch Brazil hoặc Mexico, những quốc gia đông dân nhất trong khu vực.
Trong khoảng thời gian trên, tổng số tài sản của các tỷ phủ ở Mỹ Latin và Caribe tăng từ 284 tỷ USD lên 480 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL), tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo đói tại Mỹ Latin hiện đang ở mức 12,5% dân số - mức cao nhất ghi nhận được tại khu vực này trong vòng hai thập kỷ qua.
Nguyên nhân chung của tình trạng này là do những tác động tiêu cực của đại dịch. CEPAL cho rằng đây là một thực tế đáng lo ngại bất chấp những biện pháp và các gói ngân sách bảo trợ xã hội mà nhiều nước đang áp dụng.
Theo Giám đốc khu vực Mỹ Latinh và Caribe của UNDP Luis Felipe López-Calva, số lượng các tỷ phú Mỹ Latinh gia tăng mạnh mẽ nhờ vào các hoạt động kinh doanh trong bốn lĩnh vực: tài chính, viễn thông, phương tiện thanh toán kỹ thuật số và y tế. Ông López-Calva cho rằng đây là một ví dụ cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 là không công bằng như thế nào: một số lĩnh vực đã được hưởng lợi từ đại dịch nhưng lại không giúp tạo ra thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Vị quan chức của UNDP đề nghị chính phủ các nước Mỹ Latin đề ra các biện pháp nhằm phân phối lại và điều tiết tốt hơn các nguồn lực trong xã hội, cùng với đó là củng cố hệ thống y tế toàn dân và an sinh xã hội hơn nữa.