Năm 2020, Hà Nội quyết tâm cải thiện chỉ số PAPI, tăng ít nhất 5 bậc

Năm 2019, Chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 41,53/80 điểm; xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố; nằm trong nhóm 4 gồm 16 tỉnh, thành phố thấp nhất cả nước...
Năm 2020, Hà Nội quyết tâm cải thiện chỉ số PAPI, tăng ít nhất 5 bậc

UBND Thành phố vừa thông qua Kế hoạch Cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020 với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền Thành phố, đặc biệt là cấp cơ sở; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong kết quả PAPI năm 2019, phấn đấu Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội năm 2020 được cải thiện, tăng ít nhất 05 bậc so với năm 2019.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Hà Nội đưa ra nhóm giải pháp đối với công tác chỉ đạo, điều hành. Trong đó, xác định rõ các nội dung cần thực hiện đối với từng chỉ số nội dung thuộc Chỉ số PAPI, các nhiệm vụ cụ thể đối với tất cả các lĩnh vực của Chỉ số PAPI xác định gắn với trách nhiệm của từng sở, ngành; của UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

Trọng tâm của kế hoạch là đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyền truyền tới người dân (đặc biệt tại khu dân cư, thôn, tổ dân phố) về hiểu biết pháp luật, các quyền, nghĩa vụ của người dân; những nỗ lực của chính quyền trong quản lý điều hành, thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, phòng chống tham nhũng của các cấp chính quyền Thành phố...

Trong năm 2020, Hà Nội cũng đưa nội dung Chỉ số PAPI vào chương trình bồi dưỡng đối tượng lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện, đặc biệt là cấp cơ sở nhằm tăng cường nhận thức, xác định rõ và cụ thể trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao Chỉ số PAPI.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chú trọng kiểm tra đột xuất, chỉ đạo hoặc kiến nghị khắc phục các tồn tại có thời hạn cụ thể; tái kiểm tra việc khắc phục các tồn tại đối với các đơn vị đã được kiểm tra trước đây; chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt ở cấp chính quyền cơ sở; nghiên cứu điều chỉnh việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước của Thành phố hành năm gần hơn với các chỉ tiêu nội dung của Chỉ số PAPI để có sự chủ động, đối chiếu, kiểm chứng kết quả; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện Kế hoạch khắc phục, cải thiện Chỉ số PAPI.

Năm 2019, theo xếp hạng chỉ số PAPI, cả 8 Chỉ số thành phần của Hà Nội đều không được xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm số cao gồm “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” xếp thứ 30/63 tỉnh, thành; Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” xếp thứ 42/63 tỉnh; Chỉ số “Quản trị điện tử”: đánh giá của người dân về 2 khía cạnh mang tính tương tác của chính phủ điện tử, gồm: Tiếp cận cổng thông tin điện tử, Sử dụng Internet tại địa phương… xếp thứ 21/63 tỉnh, thành. Chỉ số về “Quản trị môi trường”, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành.

Có thể bạn quan tâm