Nắm chắc cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 để “không bị bỏ lại phía sau”

Nữ doanh nhân sẽ nắm tốt những cơ hội của cuộc cách mạng số để biến thành lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh.
Nắm chắc cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 để “không bị bỏ lại phía sau”

“Tôi tin rằng, với sự thông minh, tinh tế, nhạy bén của mình, các nữ doanh nhân sẽ nắm tốt những cơ hội của cuộc cách mạng số để biến thành lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, đặc biệt trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc kinh doanh để không bị bỏ lại phía sau”.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI khi trao đổi với Tạp chí Thương Gia về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với doanh nghiệp nói chung và đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng.

- Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Quan điểm của bà về vấn đề này?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh, nhanh đến nền kinh tế, xã hội, môi trường của tất cả các quốc gia trong đó có Việt Nam. 

 Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự mang cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Các ứng dụng của nó sẽ giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong giao dịch thương mại, rút ngắn khoảng cách địa lý, tiết kiệm chi phí và thời gian…điều đó sẽ giúp làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, sản xuất, quản trị và kinh doanh…

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội to lớn đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng còn nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kém lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp trong khu vực về công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực….Nếu không chủ động tìm hiểu để nâng cao kiến thức và kỹ năng thì các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp do nữ làm chủ có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh thị trường thế giới đang thay đổi.

 - Theo bà, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có làm tăng bất bình đẳng nữ giới hay không khi theo ước tính của ILO, có đến 86% lao động cho các ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm mà đây là những ngành có lực lượng lao động nữ tham gia nhiều nhất?

Trong bối cảnh máy móc dần làm thay công việc của con người thì những ưu thế về lực lượng lao động trẻ dồi dào với chi phí thấp của Việt Nam sẽ không còn là thế mạnh. Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là lao động bậc trung.

Lao động nữ tập trung nhiều ở những ngành nghề mà máy móc có thể thay thế như dệt may, giày da, sản xuất nông nghiệp, y tế, dịch vụ….nhưng đây cũng chính là cơ hội để người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng học tập nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề để có thể tham gia vào các công đoạn đòi hỏi kỹ xảo chuyên nghiệp mà máy móc không thể thay thế hoặc chuyển sang điều khiển các dây chuyền sản xuất, các máy móc thiết bị hiện đại.

- Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ nói chung và doanh nhân nữ nói riêng cần phải làm gì để “không bị lùi lại phía sau”, thưa bà?

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức trong kỷ nguyên số, Chính phủ, VCCI và các Hiệp hội đã và đang có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghệp, doanh nhân nữ về phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, kết nối kinh doanh ….bằng cách sử dụng các ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0. 

Bên cạnh những nỗ lực của Chính Phủ, cơ quan ban, nngành, VCCI và các Hiệp hội… nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cũng như tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ doanh nhân thì các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng cần chủ động dành thời gian tìm hiểu, cập nhật thông tin, tham gia các mạng lưới tìm cơ hội kết nối kinh doanh, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, có định hướng, chiến lược kinh doanh phù hợp và hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và chú trọng xây dựng thương hiệu để từng bước thành công và vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Phụ nữ nói chung và doanh nhân nữ nói riêng cũng rất cần nhận được sự chia sẻ từ gia đình, sự tôn trọng và nhìn nhận về những đóng góp của họ từ cộng đồng xã hội. Đó sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn giúp chị em mạnh mẽ, tự tin hơn trong cuộc sống và trên thương trường.

-Với vai trò là người đứng đầu Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, bà có thể cho biết trong thời gian tới Hội đồng có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ Việt Nam chủ động thích ứng và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên số, thưa bà?

Trong thời gian tới, Hội đồng DNNVN sẽ tiếp tục các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và tham gia kinh doanh thương mại trực tuyến.

Hội đồng DNNVN là đối tác của các tập đoàn lớn về công nghệ, đã đang và tiếp tục triển khai các sáng kiến nhằm hỗ trợ DNN khởi nghiệp và phát triển kinh doanh số, thương mại điện tử tại Việt Nam, vd ví dụ như: Chương trình #Phụnữlàdoanhnhân của Facebook, chương trình Womenwill của Google,…Bên cạnh đó, Hội đồng doanh nhân nữ cũng phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trên các lĩnh vực vận động chính sách, xúc tiến thương mại và đầu tư, xây dựng thương hiệu, đào tạo nâng cao năng lực cho hội viên…. Điều quan trong là Hội đồng doanh nhân nữ với vai trò là nhà sáng lập ra Mạng Nữ doanh nhân ASEAN đã kết nối các DNN Việt Nam tham gia mạng lưới này và từ đây kết nối với DNN quốc tế và cùng với sự nỗ lực chung, phấn đấu để doanh nhân nữ không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…