Thực trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng gia tăng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy những lời đề xuất áp thuế đối với nhóm công dân giàu có khi tài chính công phải vật lộn để đối phó với dân số già đi, nhu cầu tài chính khổng lồ cho quá trình chuyển đổi khí hậu và khoản nợ do đại dịch Covid-19 để lại.
Trong một phân tích từ Cơ quan Quan sát thuế EU, chính phủ các nước nên mở rộng một mặt trận quốc tế về áp thuế tối thiểu nhằm ngăn chặn nguy cơ trốn thuế ở nhóm tỷ phú USD - một quy định có thể giúp mang lại 250 tỷ USD/năm.
Nhận định này được đưa ra sau khi nhóm nghiên cứu tại Trường Kinh tế Paris trích dẫn Báo cáo trốn thuế toàn cầu, trong đó chỉ ra rằng thuế cá nhân thực tế của các tỷ phú thường thấp hơn nhiều so với những người nộp thuế không có điều kiện bằng, bởi các tỷ phú có thể gửi tài sản của họ vào các công ty vỏ bọc để tránh thuế.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, nếu bị đánh thuế, số tiền này sẽ chỉ tương đương 2% trong số gần 13 nghìn tỷ USD tài sản thuộc sở hữu của 2.700 tỷ phú trên toàn cầu.
“Ước tính thuế cá nhân của các tỷ phú ở Mỹ chỉ vào khoảng 0,5% và thấp tới mức 0% so với ở Pháp, nơi có mức thuế cao hơn”, Cơ quan Quan sát thuế EU tiết lộ.
Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã bao gồm các kế hoạch đánh thuế tối thiểu 25% đối với 0,01% những người giàu nhất nước Mỹ vào dự thảo Ngân sách năm 2024, nhưng đề xuất đó đã thất bại khi các nhà lập pháp ở Washington bận tâm với các mối đe dọa khác như chính phủ bị đóng cửa và thời hạn cấp vốn sắp đến.
Mặc dù nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đánh thuế các tỷ phú có thể mất nhiều năm, nhưng Cơ quan đã nêu bật một số ví dụ về sự thành công của các chính phủ trong việc chấm dứt bí mật ngân hàng và giảm cơ hội cho các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp.
Một thỏa thuận năm 2021 giữa 140 quốc gia đã đưa ra nhằm hạn chế phạm vi giảm thuế của các công ty đa quốc gia bằng cách đặt mức thuế doanh nghiệp 15% trên toàn cầu kể từ năm tới.
Cơ quan ước tính, việc ra mắt tính năng chia sẻ thông tin tài khoản tự động vào năm 2018 đã làm giảm lượng tài sản nắm giữ ở các “thiên đường thuế” nước ngoài xuống thấp ba lần.
“Điều mà nhiều người nghĩ là không thể, giờ đây thực sự có thể thực hiện được. Bước hợp lý tiếp theo là áp dụng logic đó cho các tỷ phú, chứ không chỉ cho các công ty đa quốc gia”, Giám đốc Cơ quan Quan sát thuế EU Gabriel Zucman lưu ý.
Trong trường hợp không có sự thúc đẩy quốc tế rộng rãi về mức thuế tối thiểu đối với các tỷ phú, ông Zucman khẳng định rằng vẫn sẽ có một liên minh gồm các quốc gia đã sẵn sàng đơn phương dẫn đường.
Tuy nhiên, mặc dù một số giải pháp nêu trên đã chấm dứt sự cạnh tranh kéo dài hàng thập kỷ giữa các quốc gia về thuế suất, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề về giảm hoá đơn thuế. Ví dụ, người giàu thường chủ động đầu tư tài sản vào bất động sản thay vì để trong các tài khoản ở nước ngoài; trong khi các công ty có thể khai thác lỗ hổng trong mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.