Trong một báo cáo vào 27/9, Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tăng trưởng năm 2022 ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ chậm lại còn 3,2%, giảm so với mức dự báo 5,0% vào tháng 4 và mức tăng trưởng 7,2% của năm trước.
Mức dự báo này chủ yếu là do tăng trưởng ở Trung Quốc đang giảm tốc mạnh, lý do bởi các quy tắc nghiêm ngặt của chính sách zero Covid đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, Ngân hàng Thế giới cho biết.
Trung Quốc, chiếm 86% tổng sản lượng kinh tế của 23 quốc gia, được dự báo sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, một mức giảm đáng kể so với dự báo trước đó của WB là 5,0%. Năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1%, mức tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ.
Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo tăng trưởng ở mức 4,5%.
“Để chuẩn bị cho việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, các quốc gia nên giải quyết những méo mó trong chính sách trong nước vốn là trở ngại cho sự phát triển dài hạn", Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro nhận xét trong một tuyên bố.
Một rủi ro khác đối với triển vọng của khu vực là các đợt tăng lãi suất tích cực mà các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang thực hiện để chống lại lạm phát tăng vọt. Ngân hàng Thế giới cho biết những điều này đã làm dòng vốn chảy ra ngoài và giảm giá tiền tệ.
Cơ quan viện trợ đa phương cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát giá thông qua trợ cấp, cảnh báo những biện pháp này sẽ chỉ có lợi cho những người giàu có và khiến chi tiêu của chính phủ không tới được với cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.